Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái sau khi ly hôn. Vợ chồng tôi lấy nhau được 5 năm, có 2 con gái, bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ 18 tháng, trong quá trình chung.
Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái sau khi ly hôn
Câu hỏi của bạn:
Vợ chồng tôi lấy nhau được 5 năm, có 2 con gái, bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ 18 tháng, trong quá trình chung sống xảy ra nhiều bất hòa. Vợ chồng tôi đã ly thân 1 năm, 2 con theo mẹ về nhà ông bà ngoại ở, chúng tôi đã chia đôi số tiền mà 2 vợ chồng tích cóp được từ khi lấy nhau đến thời điểm ly thân. Trong quá trình ly thân 1 năm, chồng tôi lấy tiền này của anh để xây nhà, chồng tôi không chu cấp tiền để tôi nuôi 2 con, còn số tiền của tôi dùng để nuôi 2 con. Ngoài ra dù ly thân trong 1 năm nhưng chúng tôi vẫn hợp tác làm ăn cùng nhau và kiếm ra đc 1 khoản tiền, chồng tôi giữ khoản tiền này.
Sau 1 năm ly thân vợ chồng lại hàn gắn vì thương 2 đứa con nhỏ, cùng lúc đó chồng tôi xây xong ngôi nhà, anh đưa vợ con về ở. Bố mẹ chồng tôi vì lo sợ chúng tôi có lại có nguy cơ bỏ nhau, sợ con dâu tranh chấp tài sản, nên bố mẹ chồng tôi đã làm 1 tờ giấy xác nhận quyền sử dụng đất tổ tiên và ngôi nhà mới xây trên đất đó. Nội dung tờ xác nhận là: đất tổ tiên thuộc quyền sử dụng của bố mẹ chồng tôi, sổ đỏ đất đứng tên chồng tôi và sổ đỏ có trước khi chúng tôi kết hôn, ngôi nhà mới xây thuộc quyền sử dụng của chồng tôi, còn tôi không có đóng góp tài chính gì để xây nhà, tôi chỉ được ở ngôi nhà này để nuôi con, họ bắt tôi ký vào tờ giấy xác nhận này. Tôi tin lời bố mẹ chồng và chồng rằng đây là ngôi nhà do tất cả tiền của bố mẹ chồng tôi xây và cho chồng tôi ngôi nhà này, và vì tôi không muốn vì tài sản mà tranh cãi với nhà chồng để rồi tan nát mái ấm gia đình nên tôi đã đồng ý nội dung tờ giấy như trên và ký xác nhận. Nhưng sau này trong quá trình vợ chồng chung sống tôi đã phát hiện ra sự thật là tổng số tiền xây ngôi nhà đó 500 triệu, trong đó bố mẹ chồng tôi chỉ cho chồng tôi 200 triệu để anh xây nhà, 300 triệu còn lại chính là khoản tiền chung anh đã lấy để xây nhà, nhưng anh nhất quyết không thừa nhận là đã dùng 300 triệu tiền chung của 2 vợ chồng để xây nhà. Hiện tại chúng tôi có quá nhiều mâu thuẫn không thể hòa giải, hôn nhân không đạt được mục đích, chúng tôi quyết định ly hôn. Vậy tôi xin hỏi:
- Chồng tôi muốn 2 con theo mẹ và tôi cũng mong muốn điều này, vậy sau khi ly hôn chồng phải có trách nhiệm cụ thể gì với 2 con? Làm thế nào để chồng tôi không trốn tránh trách nhiệm với 2 con?
- Tôi cần dựa vào căn cứ gì để chứng minh ngôi nhà có công đóng góp tài chính của tôi ?
- Căn cứ vào nội dung tôi trình bày ở trên thì giấy xác nhận đó có hiệu lực không? Khi ly hôn tài sản của vợ chồng tôi sẽ được Tòa án phân chia thế nào?
Tôi rất mong nhận được hồi âm của Luật sư. Trân trọng cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn!
Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến phòng tư vấn pháp luật. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
- Sau khi ly hôn chồng phải có trách nhiệm cụ thể gì với 2 con? Làm thế nào để chồng tôi không trốn tránh trách nhiệm với 2 con?
Sau khi ly hôn, hai bên đã thỏa thuận được ai là người sẽ trực tiếp nuôi con thì cần xem xét tiếp tới mức cấp dưỡng mà bên còn lại phải thực hiện. Tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình có quy định cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con. Như vậy, cấp dưỡng nuôi con là nghĩa vụ của cha, mẹ. Do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trừ trường hợp hai bên tự nguyện thỏa thuận không yêu cầu cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng nuôi con theo quy định tại Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình sẽ được xác định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Để chồng bạn không trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng này thì bạn có thể yêu cầu Tòa án ghi nhận thỏa thuận nuôi con của mình, đồng thời yêu cầu Tòa án quyết định mức cấp dưỡng cho 2 con của bạn. Khi bản án đã ghi nhận việc cấp dưỡng này thì chồng bạn có nghĩa vụ phải thực hiện, theo đó nếu không tuân thủ bạn hoàn toàn có thể nhờ cơ quan thi hành án giải quyết vấn đề này.
- Tôi cần dựa vào căn cứ gì để chứng minh ngôi nhà có công đóng góp tài chính của tôi ?
Bạn cần chứng minh khi ly thân bạn và chồng có tài sản chung và tài sản này sau khi chia bạn đã dùng cho việc chăm sóc con cái, còn chồng bạn lại lấy để xây nhà. Việc dùng tài sản chung để xây nhà cũng đồng nghĩa ngôi nhà đó là tài sản chung của vợ chồng. Vì hai bạn chưa ly hôn, ngôi nhà được xây trong thời kỳ hôn nhân nên dù ít dù nhiều bạn vẫn là người có quyền đối với ngôi nhà này.
Chỉ khi chồng bạn chứng minh được đã xây nhà bằng tài sản riêng của mình thì khi đó bạn mới không được quyền quyết định. Các thu nhập hợp pháp như tiền lương, tiền làm ăn kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung của vợ chồng nên nếu chồng bạn có chối cãi là dùng tiền lương của mình xây nhà thì bạn vẫn có thể khẳng định với chồng mình đó là tài sản chung.
- Căn cứ vào nội dung tôi trình bày ở trên thì giấy xác nhận đó có hiệu lực không? Khi ly hôn tài sản của vợ chồng tôi sẽ được Tòa án phân chia thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì những giấy tờ, văn bản liên quan đến bất động sản phải được công chứng, chứng thực. Việc bạn ký vào giấy xác nhận ngôi nhà là tài sản riêng của chồng mình khi không được công chứng là không đúng theo quy định nên văn bản sẽ không có hiệu lực pháp luật.
Về việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án sẽ xem xét xác định tài sản chung của vợ chồng gồm những gì, sau đó dựa vào quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình mà quyết định.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của bạn đọc.
Trân trọng /./.
Theo LTQ