Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận – huyện thực hiện xác định hệ số điều chỉnh giá đất cho từng khu vực đối với đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2021.

Cover-24-5

Hệ số điều chỉnh giá đất (K) cho đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM có nhiều điểm chưa hợp lý

Theo Sở TN&MT, sau khi UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, phản ánh từ các đơn vị liên quan cho thấy, hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp chưa thật phù hợp tại một số quận – huyện.

Được biết, trước đó, ngày 4/5/2021, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi năm 2021. Theo đó, đối với đất nông nghiệp, UBND TP.HCM chia hệ số điều chỉnh giá đất theo 3 vị trí.

Cụ thể, vị trí 1 gồm những thửa đất tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 200m.

Vị trí 2 gồm những thửa đất không tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất) trong phạm vi 400m và vị trí 3 gồm các vị trí còn lại.

Đối với TP.Thủ Đức và các quận – huyện được chia thành 4 khu vực như sau gồm: 1/ Các quận 1,3,4,5,6,8,10,11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh; 2/ Quận 7, 12, Bình Tân và TP. Thủ Đức; 3/ các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn; 4/ Huyện Cần giờ.

A2

Hệ số K cho 04 khu vực cụ thể tại TP. HCM trong năm 2021

Từ nhận định hệ số điều chỉnh giá đất cho từng từng khu vực đối với đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong năm 2021 là chưa hợp lý, Sở TN&MT TP.HCM đã đề nghị các địa phương tuỳ điều kiện cụ thể của dự án mà cân đối với các dự án tương đồng đã được UBND TP.HCM phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 1 năm để điều chỉnh hệ số cho phù hợp với giá chuyển nhượng khi lấy ý kiến người dân đưa vào phương án bồi thường.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP.HCM cũng yêu cầu các địa phương trực thuộc cần rà soát, thống kê hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp của các dự án trên địa bàn được UBND TP.HCM phê duyệt từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021. Từ đó đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp cụ thể cho phù hợp với địa bàn từng quận, huyện và báo cáo trước ngày 15/6/2021 để tổng hợp, tham mưu cho UBND TP.HCM.

Liên quan đến những bất cập Khung và Bảng giá đất cũng như xác định hệ số K từ khi TP.HCM đã ban hành bảng giá đất trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2024 (đầu năm 2020) không chỉ các đơn vị thừa hành cấp quận, huyện mà cả người dân cũng đang gặp phải nhiều lúng túng do phát sinh nhiều bất cập. Sau đó UBND TP.HCM cũng đã giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát, tham mưu để thành phố cập nhật, sửa đổi, bổ sung Quyết định bảng giá đất theo đúng trình thủ tục trong tháng 9/2020.

Nhận định về nguyên nhân việc các địa phương thời gian qua liên tục phải có những điều chỉnh, bổ sung liên quan đến bảng giá đất cũng như hệ số điều chỉnh giá đất, PGS.TS Doãn Hồng Nhung – Giảng viên cao cấp khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng một phần là do các quy định này chưa mang được “hơi thở của cuộc sống”. Có những trường hợp giá đất giao dịch thực tế còn cách quá xa so với giá mức giá được quy định tại Bảng giá đất của các địa phương.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng hiện giá đất quy định trong bảng giá đất vẫn thấp hơn giá đất thị trường từ 30 – 50%. Không chỉ ở các tuyến đường ở trung tâm thành phố, mà giá đất nông nghiệp ở các khu vực khác cũng có giá giao dịch cách rất xa giá theo quy định của nhà nước, kể cả sau khi đã áp hệ số K.

Từ những bất cập như trên, một trong những giải pháp có thể tính đến để Bảng giá đất cũng như hệ số K sát với thực tiễn hơn, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung các địa phương có thể thành lập một hội đồng thẩm định độc lập để có được cơ sở dữ liệu thực tiễn nhằm tham góp vào việc xây dựng Bảng giá đất cũng như đưa ra hệ số K phù hợp, tránh việc vừa đưa ra lại sửa.