Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong năm 2022, trong tổng nguồn cung mới, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ 78,3% còn phân khúc bình dân dưới 20 triệu đồng/m2 không có bất kỳ sản phẩm nào.
Tại báo cáo gửi UBND TP HCM về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 mới đây, Sở Xây dựng TP cho biết từ đầu năm đến nay, Sở đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án với tổng số 12.147 căn nhà, tổng diện tích sàn 1.331.171 m2. Trong đó, có 10.632 căn hộ chung cư, 1.515 căn nhà ở thấp tầng. Tổng giá trị cần huy động là 252.337 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các dự án mới năm 2022, phân khúc căn hộ cao cấp (trên 40 triệu đồng/m2) có 9.510 căn, chiếm tỷ lệ 78,3%. Phân khúc căn hộ trung cấp (20 – 40 triệu đồng/m2) có 2.637 căn, chiếm tỷ lệ 21,7%.
Trong khi đó, phân khúc căn hộ bình dân (dưới 20 triệu đồng/m2) không có bất kỳ sản phẩm mới nào được ra mắt. Đây là năm thứ hai liên tiếp, phân khúc nhà ở bình dân mất dấu tại TP HCM.
Về công tác phát triển nhà ở xã hội, tính đến ngày 21/12, TP HCM có 1 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành và đưa vào sử dụng là dự án Khu nhà ở xã hội Bình Trưng Đông tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, được nghiệm thu hoàn thành vào tháng 3/2022 với quy mô 260 căn.
Hiện TP cũng đang có 9 dự án nhà ở xã hội đang thi công với quy mô gần 6.491 căn, gồm 4 dự án nhà ở xã hội độc lập quy mô 3.004 căn và 5 dự án sử dụng quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội quy mô 3.227 căn. Có 2 dự án nhà cho công nhân thuê đang thi công với quy mô 1.400 căn.
Trên thực tế, nhà giá rẻ đã gần như biến mất. Báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu đều nêu bật thực trạng này khi nguồn cung căn hộ giá rẻ, bình dân vô cùng ít ỏi hoặc tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven.
Tại TP HCM không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có thì nằm ở xa trung tâm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang đã đẩy giá bán căn hộ ở thị trường TP HCM tăng vọt.
Thống kê của Hiệp hội bất động sản TP HCM cho thấy loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TP đã rơi vào cảnh “khan hiếm” từ năm 2020 khi chỉ chiếm 1%; năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có nhà ở cao cấp và nhà ở trung cấp, thị trường không còn nhà ở bình dân (0%).
Trong lúc nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo như năm 2017 (chiếm 25,5%), năm 2018 (chiếm 30%); năm 2019 (chiếm 67,1%); năm 2020 (chiếm 42,1%); năm 2021 (chiếm 72%) và 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm đến 80,13%.
Hiện tại, nếu lấy giá nhà ở chia cho thu nhập bình quân của một người độc thân hoặc của hộ gia đình ở TP HCM trong một năm, thì chỉ số này đã lên đến 20 – 24 lần. Điều này có nghĩa là nếu một người độc thân đi làm tích lũy toàn bộ thu nhập, không chi tiêu gì thì cũng phải mất 20 – 24 năm sau mới đủ tiền mua được căn nhà đầu tiên.
Đây là sự bất hợp lý, khi so với các quốc gia phát triển khác, con số này chỉ cao từ 8 – 10 lần, thấp hơn nhiều so với ở Việt Nam.
Trong khi đó, thị trường bất động sản hiện đang có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, giao dịch kém. Thị trường thứ cấp cũng đang rơi vào “trầm lắng”, giảm thanh khoản. Người có nhu cầu ở thật khó mua được nhà hơn thời điểm trước đây do giá tăng cao và niềm tin vào thị trường sụt giảm mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, trước đó TP HCM đã có kiến nghị cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản.
Về lâu dài cần rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định quyền sử dụng đất xen cài, mở rộng hình thức cho vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Diệu Hoa