Mối quan hệ cộng sinh

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước, là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước, là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất Đông Nam Á (chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; đóng góp 15,4% GDP, khoảng 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu…). Tuy nhiên, sự phát triển của ĐBSCL thời gian qua chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng.

mekong-connect-2021

Diễn đàn Mekong Connect 2021 lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM.

Phát biểu tại Mekong Connect 2021 mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL được ngồi lại với nhau ở đây là một điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Và chính điều này mở ra kỳ vọng để TP.HCM và ĐBSCL giải quyết nhu cầu vô cùng cấp thiết, đó là “liên kết cùng phát triển”.

“Liên kết cùng phát triển TP.HCM và ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. TP.HCM muốn cùng ĐBSCL ngồi lại bàn bạc để tìm ra các giải pháp chung, gắn bó cùng nhau phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương để cùng phát triển”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, tìm giải pháp phục hồi kinh tế cho năm 2022 và liên kết phát triển trong điều kiện bình thường mới, mà ở đó, hai chữ “phục hồi” và “liên kết” đã nói lên quyết tâm mạnh mẽ của các bên về sự liên kết hợp lực, tạo sức mạnh đưa kinh tế Vùng và các địa phương phát triển sau những khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

“Trong giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, sự liên kết này lại càng được phát huy chặt chẽ. Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, cùng giúp nhau các nguồn lực y tế, nhân lực, thống nhất trong cách ứng xử phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ.

Ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM đang căng thẳng, từ chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý, cho đến hầu như người tiêu dùng nào ở TP HCM cũng đều cảm nhận được sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng với các tỉnh ĐBSCL. Có thời điểm, nông dân nhìn cá trong ao, rau trên ruộng mà không thể thu hoạch vì vắng bóng thương lái. Trong khi đó, người nội trợ ở nhà trong thời gian giãn cách dõi theo giá thực phẩm leo thang vì khan hiếm.

Ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, quan hệ giữa TP.HCM và ĐBSCL là quan hệ cộng sinh, hai chiều. Không chỉ vừa qua nông sản rớt giá do nông dân ế hàng vì không bán được đến Thành phố, mà ngược lại hàng phi nông nghiệp của Thành phố cũng khó về miền Tây. Chuỗi cung ứng lao động cũng như vậy.

“Khi 420.000 lao động hồi hương về các tỉnh miền Tây thì riêng An Giang có 120.000 người, nên gặp khủng hoảng không thể giải quyết đủ việc làm cho họ, trong khi TP.HCM lại phải đi kiếm lao động. Vấn đề phải làm cho mối quan hệ cộng sinh này không bị đứt gãy trong bất kỳ tình huống nào”, ông Trần Anh Thư chia sẻ.

Cấp thiết phát triển các chiến lược logistics

Bên cạnh hợp tác điều hành vĩ mô, nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL đang cấp thiết phát triển các chiến lược logistics. Đầu tiên là ý tưởng một trung tâm phân phối hàng hóa hoặc cụm logistics. ĐBSCL đang rất cần thêm nhiều kho lạnh hàng hoá, hoặc trung tâm sản xuất, trung tâm tích hợp logistics.

logistics

Nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL đang cấp thiết phát triển các chiến lược logistics.

Để các trung tâm hàng hóa, cụm logistics chế biến bảo quản có thể thực sự vận hành được, ông Steven Starmans – CEO Kim Delta cho rằng, cần phải tính đến việc phát triển cơ sở hạ tầng. Theo ông, logistics ở ĐBSCL rất tệ. Cải thiện hạ tầng cơ sở phải là ưu tiên hàng đầu nếu muốn xây dựng sàn giao dịch hàng hóa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, chi phí đường thủy cao hơn chi phí đường bộ là nghịch lý. Chi phí một container từ ĐBSCL đi TP.HCM bằng từ TP.HCM đi Đà Nẵng cho thấy sự không đồng bộ.

“Liên kết vùng là câu chuyện lớn và đã nói nhiều lần. Nhưng logistics là vấn đề rất cụ thể và cần thiết để TP.HCM và ĐBSCL phải giải quyết để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lam cho biết.

Nói về việc kêu gọi đầu tư nội địa vào vùng ĐBSCL, ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho rằng, hơn 20 năm kinh doanh đủ thứ mặt hàng nông sản, nhưng ông chưa một lần được mời xúc tiến thương mại và xây nhà máy tại ĐBSCL.

Ông Thông dẫn chứng, doanh nghiệp của ông đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Sơn La, chỉ sau 8 tháng nhận được lời mời của lãnh đạo tỉnh, mặc dù khi đó nhiều người còn chưa biết Sơn La cũng có thể trồng được cà phê.

“Lãnh đạo tỉnh Sơn La quá nhiệt tình và cầu thị trong việc thu hút đầu tư, nên doanh nghiệp chúng tôi quyết tâm làm. Đến nay thương hiệu cà phê Sơn La đã rất nổi tiếng trên thế giới. Nông dân là người được hưởng lợi nhất khi có đầu ra ổn định, giá bán rất cao”, ông Thông chia sẻ.

Theo ông Thông, không chỉ lý do mời gọi đầu tư, mà còn nhiều cản trở để đầu tư vào khu vực này. Ông cho rằng, doanh nghiệp không thể chấp nhận việc đi từ TP.HCM đến Cà Mau phải mất 5 giờ đồng hồ, rồi còn nhiều thủ tục, giấy phép…Do đó, doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy nhưng chưa thể làm được.

Đình Đại