Toàn cảnh Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 hiện nay”. (Ảnh: TTBC TP. HCM)

Hàng nghìn doanh nghiệp gặp khó

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, lần đầu tiên kinh tế Thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng và làm giảm doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, với hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành bị sụt giảm cả số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.

Tuy nhiên, đến nay với hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng, trong đó có 579 doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, điều đó đã cho thấy sức sống mãnh liệt của các doanh nghiệp Thành phố.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. HCM, từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới, nhất là 15 năm gần đây cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã tạo nên luồng sinh khí mới, trở thành một động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế. Với trên 438.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Tọa đàm. 

“Do đó, phục hồi kinh tế đối với Thành phố hiện nay, trước mắt là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm; đồng thời, đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công”. Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho biết, theo khảo sát sơ bộ của Huba đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tới 40% doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất – kinh doanh, 14% doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, 88% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, 52% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA).

Còn ở góc độ chung, có từ 40-50% doanh nghiệp có dấu hiệu cạn kiệt năng lực sản xuất – kinh doanh, suy yếu nghiêm trọng (nhất là về tài chính và nguồn nhân lực), thị trường bị thu hẹp về quy mô hoặc không ổn định, nguồn cung ứng bị đứt gãy, hiệu quả sản xuất – kinh doanh thấp hoặc thua lỗ.

Nghiêm trọng nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vui chơi – giải trí, bất động sản… Còn có khoảng 20% doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) phải ngừng sản xuất – kinh doanh hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, nhóm doanh nghiệp có xu hướng gia tăng.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt – May và Thêu – Đan TP. HCM cho biết, tính đến thời điểm này, chỉ một số doanh nghiệp trong ngành dệt – may nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9/2020 (số đơn hàng nhận được chỉ tương ứng với 50-60% năng lực sản xuất của doanh nghiệp), những tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Trong khi đó, mặt hàng chủ lực của nhiều doanh nghiệp may là khẩu trang và đồ bảo hộ hiện giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

“Đơn hàng giảm mạnh cùng với áp lực chi trả tiền lương, BHXH và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền vay ngân hàng (lãi và nợ gốc), các chi phí đầu vào (điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng…) đã khiến doanh nghiệp càng thêm lao đao. Để giảm bớt chi phí và cầm cự chờ dịch bệnh qua đi, 80% doanh nghiệp trong ngành dệt – may và thêu – đan đã buộc phải cắt giảm lao động”, ông Việt thông tin.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Huba Chu Tiến Dũng cho rằng, Thành phố cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, đầu tư – mua sắm công để mở rộng tổng cầu trong nước. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ tín dụng, đơn giản hóa các điều kiện và thủ tục vay vốn, mở rộng hình thức cho vay tín chấp; gia hạn thêm 12 tháng đối với việc nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất; đề nghị cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay trả lương người lao động và Nhà nước cấp bù lãi suất đối với khoản vay này.

Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo hoặc đào tạo lại lực lượng lao động; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng nội địa; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cần hạn chế kiểm tra, thanh tra để doanh nghiệp nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất – kinh doanh”. Ông Chu Tiến Dũng đề nghị.

Ở góc độ khác, TS Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần phân tích, làm rõ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo hướng hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đúng thời điểm… chứ không thể hỗ trợ theo kiểu “cào bằng” vì vẫn có những doanh nghiệp phát triển tốt trong dịch COVID-19.

TS Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển; xây dựng và triển khai các chương trình tái cơ cấu thị trường, chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Xung quanh ý kiến về gói hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong một lần nữa nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa quan trọng của gói hỗ trợ này đối với người lao động và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19. Từ đó, yêu cầu các Sở, ban, ngành cần quan tâm hơn nữa để tháo gỡ vướng mắc về chính sách, đồng thời UBND Thành phố sẽ có văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

Về ý kiến của ông Trần Kim Chung – Chủ tịch HĐQT TGĐ C.T Group về việc các doanh nghiệp có thể bỏ phiếu tín nhiệm cho các Sở, ban, ngành nhằm cải thiện thủ tục hành chính, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định việc cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp là “khơi dòng để tạo nguồn lực”. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Hiệp hội doanh nghiệp phát triển phần mềm thu thập thông tin ý kiến từ doanh nghiệp để Thành phố kịp thời giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp rất quan trọng. Trong thời gian tới, đối với những vấn đề liên quan chính sách kinh tế của Thành phố, Thành phố sẽ mời các ngành cụ thể cùng tham gia ý kiến, căn cứ vào khó khăn thực tế của từng ngành để đề ra chính sách sát và phù hợp nhất”.  Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đình Đại