Chuyển tới nội dung

TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh, đã có 9 trường hợp tử vong

Hiện dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM và khu vực phía Nam, khi số ca mắc liên tục tăng cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến ngày 19/6, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 117,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó số ca mắc SXH nặng là 274 ca. Trong tuần qua đã có thêm 1 trường hợp tử vong do SXH. Như vậy số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 9 trường hợp.

Số ca bệnh SXH tiếp tục tăng cao ở tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Hưng Thuận, Thạnh Lộc (Quận 12), phường Linh Xuân (thành phố Thủ Đức); xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh), xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn)….

Chỉ trong một tuần (từ 10-16/6), toàn địa bàn ghi nhận 136 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 77 phường, xã; tăng 13 ổ dịch mới so với tuần trước. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 257 ổ dịch và có 1 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.

sot-xuat-huyet-tphcm-16511063332381557213072

Số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng mạnh.

Tại Hà Nội, dù dịch đang được kiểm soát, song với diễn biến thời tiết mưa nhiều như hiện nay và năm nay rơi vào chu kỳ dịch, nên nguy cơ số ca mắc sẽ gia tăng trong thời gian tới. Hiện các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường cho công tác điều trị, tránh lặp lại chu kỳ dịch 5 năm.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, vào thời điểm hiện nay, các bệnh nhân khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém, kèm theo nôn nhiều cần đến bệnh viện sớm, tránh biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.

Tương tự, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đã tiếp nhận 17 bệnh nhân SXH, trong đó có 5 người phải nhập viện điều trị nội trú. Do được điều trị kịp thời nên chưa có trường hợp nào nặng và xuất hiện các biến chứng.

Bác sĩ Chu Đình Năng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cho biết, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Do đó, quan trọng nhất là bệnh nhân được chẩn đoán chính xác và theo dõi sát diễn tiến của bệnh để có những chỉ định, can thiệp kịp thời.

Theo các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm 2022, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát dữ dội nếu người dân lơ là trong phòng bệnh.

Để hạn chế dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lây lan, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế thì ý thức phòng bệnh của người dân là vô cùng quan trọng.

Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi bằng cách, dành 10 – 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng; lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… ; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Người dân sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng (màn) kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Phương Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved