Từ 0h00 ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tất cả các chợ đầu mối tại thành phố phải tạm đóng cửa, nhiều chợ truyền thống, siêu thị cũng phải dừng hoạt động do liên quan đến các ca mắc COVID-19.
Trước thông tin các chợ đầu mối đóng cửa, TP Hồ Chí Minh mở rộng khu vực áp dụng Chỉ thị 16, từ chiều ngày 6/7, nhiều người dân đã tập trung tại các hệ thống siêu thị lớn để mua hàng tích trữ.
Theo phản ánh của người dân, do nhu cầu mua sắm đột biến nên nhiều mặt hàng tươi sống đã hết sạch ngay từ buổi sáng do siêu thị chưa kịp bổ sung nguồn cung ngay lập tức. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, người dân không nên lo lắng và đổ xô đi mua sắm tích trữ. Chuỗi cung ứng của thành phố hiện vẫn đảm bảo tiếp nhận hàng và lưu thông bình thường.
Phóng viên đưa tin, sáng nay 8/7, theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Hòa Hưng (quận 10), một số người bán lẻ rau xanh đã tranh thủ “thổi giá” khi nguồn cung mặt hàng này có phần khan hiếm, ít nơi bày bán.
Ngay trước cửa chợ, 3 phụ nữ bán dưa leo, khổ qua, cà rốt, bầu, đậu bắp liên tay đưa hàng cho các bà nội trợ. “Dưa leo 80.000 đồng/kg. Khổ qua, cà rốt, bầu, đậu bắp cũng đồng giá 80.000 đồng/kg. Mua ủng hộ đi”, một phụ nữ chào khách.
Khách thắc mắc giá rau đắt hơn mọi hôm, người bán giải thích đầu giờ sáng giá còn 40.000 đồng/kg nhưng đến trưa đã gấp đôi do hàng về không kịp. “Sắp giãn cách rồi nên giá cả tăng mạnh vì không nhập được hàng về”, người bán hàng nêu lý do.
Theo Bà Dung (ngụ đường Đỗ Thị Lời, quận 3) chia sẻ, giá rau xanh trong 2 ngày qua tăng chóng mặt. Bình thường, bà mua dưa leo với giá 20.000 đồng/kg, nhưng hôm nay đã tăng 4 lần. “Tôi nghĩ giá tăng chỉ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Ai ngờ, một ký dưa leo 80.000 đồng, quá đắt. Chưa bao giờ tôi thấy dưa leo có giá này”, bà Dung nói.
Phóng viên đưa tin, trước những thông tin trên, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã dự trữ khoảng 120.000 tấn hàng. Thực phẩm sẽ không thiếu cho người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Người dân không nên lo lắng, đổ xô đi mua hàng, vừa không đảm bảo an toàn, vừa tạo cơ hội khiến giá nhiều loại hàng hóa bị đẩy lên cao.
“Các quận, huyện cũng đã lên danh sách các loại hình phục vụ cho người dân. Các hệ thống siêu thị sẽ mở cửa sớm và đóng muộn, từ 6h – 23h để phục vụ người dân. Hàng hóa sẽ liên tục về TP Hồ Chí Minh vì nguồn cung ứng từ các tỉnh không bị đứt gãy. Chúng ta chỉ đang khó khăn trong địa điểm giao dịch. Các công ty quản lý chợ cũng đang hỗ trợ tiểu thương. Hệ thống bán online của siêu thị cũng đang tiếp nhận rất nhiều đơn hàng. Bà con vui lòng chờ để được phục vụ, tránh tâm lý lo lắng vì nguồn hàng về TP Hồ Chí Minh rất dồi dào”, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định.
Trước đó chiều 7/7, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, yêu cầu ung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu cho các tỉnh phía Nam, không để thiếu hàng hóa, thiếu điện trong bất cứ tình huống nào. Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm trưởng ban, cùng với các thành viên là 8 Vụ, Cục như: thị trường trong nước, kế hoạch, thương mại điện tử và kinh tế số, quản lý thị trường, công thương địa phương và Cục Điều tiết Điện lực. Ban Chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ cấp bách như: kết nối giữa các nhà cung cấp, các nguồn hàng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có dịch để sẵn sàng đáp ứng hàng hóa trong mọi tình huống; hỗ trợ để phát triển các phương thức mua bán hàng hóa theo hình thức trực tuyến; xem xét, mở chợ truyền thống nhưng phải tổ chức phát phiếu mua hàng theo quy định; đề nghị sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là giao thông để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa; đồng thời chống hiện tượng găm hàng, lừa đảo, tăng giá; đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, điều trị cho người dân, nhất là người dân trong khu cách ly, đảm bảo TP Hồ Chí Minh và các nơi có dịch không được thiếu điện. |
Minh Đức