Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ của Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”, do UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với UBND TP.HCM và Tổng cục Du lịch tổ chức mới đây.

dulich

Lãnh đạo UBND TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL ký kết Quy chế phối hợp thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP.HCM và các vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, mang lại những kết quả thiết thực, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Trong đó Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL được đánh giá cao; được sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, Thành ủy, UBND TPHCM…

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Du lịch TP.HCM cho rằng, đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. Tổng khách du lịch đến TP.HCM năm 2020 đạt trên 17 triệu lượt, giảm trên 66%, trong đó khách quốc tế đến TP.HCM năm 2020 đạt 1,3 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm gần 85% so với cùng kỳ. Tương tự, ở khu vực ĐBSCL, khách du lịch đạt 27,7 triệu lượt, giảm trên 41% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, trong bối cảnh mới, ngành du lịch TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã chủ động nhiều biện pháp để khởi động lại. Để sớm hồi phục, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh thành trên tất cả nội dung đã thống nhất. Nhằm tăng tính hiệu quả của liên kết và thu hút được khách du lịch, trong năm 2022, TP.HCM đề xuất cần tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến với 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên các trục tour, tuyến mà các tỉnh, thành và doanh nghiệp Thành phố đã khảo sát trong năm 2020.

Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn và nhất là phải bảo đảm cho du khách an toàn với COVID-19; sản phẩm du lịch bằng đường thuỷ kết hợp phương tiện đường bộ; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hoá, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ là một lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm vùng so với các vùng khác…

“Theo lộ trình của Chính phủ, du lịch đã mở cửa hoàn toàn, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Đây là “thời cơ vàng” để du lịch vùng giữa TP.HCM và ĐBSCL phục hồi và phát triển.Với sự gắn bó chặt chẽ, đồng bộ giữa các tỉnh như thời gian vừa qua, cùng với quyết tâm của lãnh đạo các địa phương thể hiện bằng việc ký kết Quy chế phối hợp thực hiện thoả thuận trong hội nghị hôm nay, cũng như sự chủ động, sáng tạo, kiên trì của cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp. Chúng ta tin tưởng rằng du lịch của vùng ĐBSCL và TP.HCM sẽ khởi sắc trở lại và phát triển mạnh mẽ”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Cần đẩy mạnh triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông sẽ giúp khu vực ĐBSCL mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách nội địa và quốc tế. Về đường bay, bên cạnh khai thác nguồn khách từ TP.HCM, các tỉnh thành cần chú trọng khai thác khách đến Sân bay quốc tế Cần Thơ bao gồm đường bay nội địa và các đường bay quốc tế (kết nối trực tiếp với Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc).

bscl

Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có thế mạnh về du lịch sông nước, du lịch sinh thái.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, hoạt động liên kết đã không chỉ đem lại sự đa dạng hoá sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Như Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi; An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh; Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng; Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp… để giữ chân du khách.

“Liên kết phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP HCM và các tỉnh ĐBSCL. Việc xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng đề nghị, các địa phương cần phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối những điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực, thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp làm du lịch, ông Võ Anh Tài – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng, tuy có tiềm năng để trở thành điểm du lịch trong tương lai, nhưng một số điểm khảo sát đa phần còn khá mới mẻ, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đạt chuẩn, chưa đảm bảo an toàn và vệ sinh nên chưa thể khai thác ngay, cần thêm thời gian để đầu tư, hoàn thiện và đào tạo tay nghề.

“Trong tình hình dịch COVID-19 còn nhiều nguy cơ, cần liên kết xây dựng cập nhật các bộ tiêu chí an toàn du lịch với COVID-19 để tạo sự thuận lợi an toàn cho du khách trong các sản phẩm đến với khu vực  ĐBSCL”, ông Võ Anh Tài đề xuất.

Còn ông Trần Đoàn Thế Duy – Tổng Giám đốc Vietravel mang đến hội nghị 3 hướng tuyến chính để phát triển du lịch của vùng, gồm trục hướng Tây Nam, hướng trung tâm và hướng Duyên hải.

Trục hướng Tây Nam chủ yếu là đường bộ và biên giới Campuchia, trong đó tập trung phát triển chuỗi sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn (Long An), Vườn quốc gia, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), du lịch tâm linh chùa Bà Châu Đốc (An Giang) và du lịch nghỉ dưỡng biển đảo Nam Du, Phú Quốc (Kiên Giang).

Tuyến trục Trung tâm là sản phẩm đặc thù nhất của ĐBSCL vì kết nối được đường bộ và hàng không, tập trung phát triển sản phẩm sông nước, du lịch sinh thái (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long), du lịch trải nghiệm văn hóa Tây đô, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), lịch sử nghệ thuật đờn ca tài tử (Bạc Liêu), du lịch sinh thái rừng ngập mặn, cột mốc cực nam của tổ quốc (Cà Mau).

Tuyến trục Duyên hải là sản phẩm du lịch vùng ven biển, các làng nghề truyền thống xứ dừa (Bến Tre), văn hóa tâm linh, lễ hội văn hóa các dân tộc Hoa, Khmer, Chăm (Trà Vinh, Sóc Trăng), kết nối với sản phẩm du lịch tại Cà Mau.

“Để liên kết được tour/tuyến giữa TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL, cần thành lập tổ công tác chung để giải quyết vấn đề, tháo gỡ khó khăn. Tại địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch được tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi về thuế,… Bên cạnh đó, địa phương cũng cần ban hành gói kích cầu về miễn giảm vé tại các điểm do nhà nước quản lý. Đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực sau dịch”, ông Trần Đoàn Thế Duy đề xuất.

Đình Đại