Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Phan Văn Mãi làm tổ trưởng, Tổ Công tác kiện toàn gồm 14 thành viên. Trong đó Tổ phó Thường trực là Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường và Tổ phó là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai.

Các thành viên là lãnh đạo các Sở, ngành, Văn phòng UBND Thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tại địa điểm thực hiện dự án.

Quyết định được ban hành nhằm thay thế Quyết định 1995 năm 2020 của UBND TP.HCM trong việc thành lập Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ và đảm bảo trình tự, Tổ Công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố do các sở, ngành thụ lý hồ sơ.

Cùng với đó, Tổ Công tác cũng rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do vướng mắc các vấn đề phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật để có hướng xử lý theo đúng quy định, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

Ngoài ra, Tổ sẽ rà soát các nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện nay thành phố có khoảng 156 dự án bất động sản gặp vướng mắc, chủ yếu đang trong diện rà soát về pháp lý. Tuy nhiên tính phức tạp của các dự án này đã được xử lý qua nhiều thời kì và một vài quy định pháp luật chưa có sự thống nhất.

Những dự án có nguồn gốc đất công thuộc quản lý của Nhà nước theo chủ trương sắp xếp, xử lý tài sản công hoặc một số dự án bị vướng do bị rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung khiến các dự án này phải dừng triển khai xây dựng cũng như dừng huy động vốn, giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai.

Dự án vướng mắc bởi điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 nhằm triển khai chủ trương ưu đãi và chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, dự án gặp vướng trong việc thực hiện trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sở hữu quy mô dưới 10 ha phải dành 20% diện tích đất của dự án để xây dựng NƠXH được thực hiện nghĩa vụ bằng tiền.

Dựa trên thông tin mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, tiến độ giải quyết các khó khăn vướng mắc về pháp lý trên tổng số 148 dự án nhà ở trên địa bàn Thành phố, cơ quan này đã hoàn tất giải quyết 10 kiến nghị, 73 kiến nghị đang xem xét xử lý chờ kết luận, tạm dừng giải quyết 7 hồ sơ kiến nghị, trong đó có 4 kiến nghị không phù hợp với pháp lý hiện hành và không thuộc trách nhiệm xử lý của Sở.

Các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị gặp vướng mắc chủ yếu về lĩnh vực đất đai, phương án sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa; bất cập về quy hoạch; lĩnh vực đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ, hiện tại vướng mắc lớn nhất của các dự án hầu hết đều gặp vấn đề pháp lý. Đáng chú ý, với sự nỗ lực của UBND TP.HCM, hiện nay thành phố đã cho phép các doanh nghiệp chủ đầu tư thuộc 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của các dự án này, trong giai đoạn chờ kết luận của cơ quan nhà nước đối với các dự án trong diện rà soát pháp lý mà chủ đầu tư đã hoàn tất thủ tục nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế đất trước đây.

Dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng và phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong việc lập và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch trước ngày 15/6.

Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển kinh tế – xã hội Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đã đặt ra mục tiêu giải quyết được 50 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý đến cuối năm 2023.

Vi Anh