Nhiều khu “đất vàng” tại quận 1 (TP.HCM) có vị trí đắc địa với tổng diện tích hàng chục nghìn m2 đang bị bỏ trống trong nhiều năm.
Theo số liệu từ UBND quận 1, bên cạnh 26 khu “đất vàng” trên địa bàn, tình trạng “đất vàng” bỏ hoang cũng diễn ra tại khu vực trung tâm nhiều quận khác tại TP.HCM.
Nhiều khu đất bỏ hoang gây lãng phí
Dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng nằm giữa trung tâm TP.HCM, với 4 mặt tiền đường Pasteur – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần – Nguyễn Đình Chiểu thuộc quận 3. Tuy nhiên, thực tế đến nay nơi đây chỉ là khu đất trống.
Dự án này đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và bắt đầu triển khai từ tháng 3/2010, với mức đầu tư công bố ban đầu là 988 tỷ đồng. Năm 2013, giá trị công trình đã tăng lên 1.352,7 tỷ đồng. Đến năm 2016, vốn đầu tư khả thi của dự án đã lên tới hơn 1.953 tỷ đồng, gấp đôi so với ban đầu.
Bên cạnh đó, khu đất số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, sở hữu bốn mặt tiền đường: Hai Bà Trưng – Thi Sách – Đông Du và một mặt hướng ra Công trường Mê Linh. Khu đất bị bỏ hoang nhiều năm nay do liên quan đến sai phạm của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong việc chuyển nhượng sai.
Cách đó gần một km, khu đất 35 Nguyễn Huệ (rộng 9.200 m2), tiếp giáp đường Lê Lợi – Pasteur cũng đang bỏ hoang. Địa chỉ này là tòa nhà Thương xá Tax lâu đời và nổi tiếng. Theo đó, công trình cũ bị tháo dỡ và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (SATRA) được thành phố cho phép xây dựng trên nền cũ một khu phức hợp, song đến nay cũng vẫn là khu đất trống. Trước đó, khu đất từng được kiến nghị dùng làm bãi giữ xe nhằm giải quyết tình trạng đậu xe trên lòng, lề đường, ảnh hưởng an ninh trật tự, giao thông ở khu trung tâm.
Có vị trí nằm ở khu tứ giác Bến Thành, dự án The Spirit of Saigon được khởi công 2017 từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng, điểm nhấn kiến trúc mới của TP.HCM. Dự án có vốn đầu tư ban đầu là 500 triệu USD, sở hữu vị trí vô cùng đắc địa, gồm 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão – Calmette – Lê Thị Hồng Gấm – Phó Đức Chính.
Theo thiết kế, công trình gồm 2 tòa tháp được nối với nhau bằng khối đế và bố trí cách xa nhau. Tòa tháp phía tây cao 55 tầng, bao gồm các tầng văn phòng cho thuê ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên. Tháp phía đông cao 48 tầng bao gồm các căn hộ với dịch vụ cung cấp bởi khu khách sạn thông qua kết nối phần đế với tầng hầm. Tuy nhiên, công trình từng nhiều lần đổi tên và đã dừng thi công nhiều tháng nay do chủ đầu tư có liên quan đến sai phạm của tập đoạn Vạn Thịnh Phát.
Ngay gần đó là khu đất của dự án tòa tháp SJC, trước đây là toà Trung tâm thương mại ITC. Khu đất nằm giữa khu tứ giác ở trung tâm quận 1 gồm: Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Lê Lợi với tổng diện tích hơn 3.800 m2. Với thiết kế có tháp cao 208m gồm 54 tầng cao và 6 tầng hầm. Khi hoàn thành, tòa nhà sẽ cao thứ 3 thành phố so với các công trình hiện hữu. Dự án phê duyệt 2007 có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 4 năm nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, không có dấu hiệu thi công.
Khu đất số 8 – 12 Lê Duẩn nằm đối diện trụ sở UBND quận 1 và sát vách với Trung tâm thương mại Diamond Plaza cũng bỏ hoang nhiều năm nay, trước đó từng được tận dụng làm bãi giữ xe.
Sử dụng “đất vàng” hiệu quả
Về những khu “đất vàng” bỏ hoang trên địa bàn, ông Lê Đức Thanh – Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, những dự án tại các khu “đất vàng” phải ngưng thi công do vấn đề pháp lý và nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, nhiều dự án vướng pháp lý thuộc thẩm quyền của TP.HCM, có những dự án vướng ở cấp cao hơn.
Nếu đưa những khu “đất vàng” này vào sử dụng thì nguồn thu ngân sách từ đây là rất lớn. Hiện một số khu đất giữa trung tâm quận 1 chỉ mang lại khoản thu ít ỏi từ việc trông giữ xe. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm qua, dẫn đến lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng bộ mặt đô thị của thành phố lớn nhất nước.
Trong thời gian chờ đợi tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tại kỳ họp HĐND thành phố mới đây, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ vận dụng Nghị quyết 98 và Kết luận 14 của Bộ Chính trị để đề xuất tạm thời khai thác quỹ đất vàng, nhà đất công chưa sử dụng, sau khi trừ chi phí quản lý, nguồn thu sẽ bổ sung vào ngân sách.
Đối với Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, dự án này “đóng băng” sẽ gây thiệt hại cho cả thành phố và nhà đầu tư. Do đó, theo góp ý của ông Sơn, để quản lý đất công trên địa bàn thành phố, cần phia chia 2 giai đoạn. Trong đó, thành phố ưu tiên lên kế hoạch đối với những địa chỉ nhà, đất sạch, tức không vướng pháp lý, thành phố đã có toàn quyền quyết định thì có thể đấu giá, hoặc làm công trình hạ tầng. Tập trung “cởi trói” pháp lý cho những nơi vướng mắc.
Vi Anh