Thiếu các thuốc và vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm không phải là vấn đề mới phát sinh đối với các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM và cả nước. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19, danh sách thuốc hiếm có nguy cơ bị kéo dài thêm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị các bệnh lý chuyên khoa.
Ngày 6/7, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay hệ thống y tế công lập trực thuộc Sở Y tế không thiếu các loại thuốc điều trị những bệnh lý thông thường, trong danh mục bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, danh mục các loại thuốc quý, thuốc hiếm và một số vật tư y tế tại các bệnh viện chuyên khoa đang bị thiếu cục bộ.
Trước thực trạng trên, Sở Y tế TP.HCM đã nêu ra các nguyên nhân lý giải cho tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc và vật tư y tế đang diễn ra. Theo đó, tình trạng thiếu thuốc kéo dài có các nguyên nhân nằm ngoài khả năng của hệ thống y tế thành phố và các nguyên nhân chủ quan.
Theo đó, những nguyên nhân thiếu thuốc và vật tư y tế nằm ngoài khả năng của Sở Y tế TP.HCM là do một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm hiện nay ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước như: dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn. Bên cạnh đó, một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraina, như: Methotrexat (sản xuất tại Belarus).
Ngoài ra, còn có một số thuốc bị thiếu là do Trung tâm mua sắm tập trung Quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán. Một số thuốc mới phát sinh do triển khai kỹ thuật mới, hầu hết chưa có số đăng ký nên phải nhập khẩu chuyến đang cần Bộ Y tế cấp phép kịp thời. Mặt khác có một vài thuốc hết thời hạn của số đăng ký nhưng chưa được Bộ Y tế gia hạn kịp thời.
Ngoài những vấn đề khách quan trên thì tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra tại TP.HCM là do trong hệ thống y tế của thành phố có một số bệnh viện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện không đủ năng lực đấu thầu theo quy định. Các cơ sở thiếu kinh nghiệm trong đấu thầu dẫn đến việc chưa chọn lựa được thuốc khi đấu thầu tập trung.
Trước thực trạng trên, ngành y tế TP Kiến nghị Bộ Y tế sớm tháo gỡ những vướng mắc. Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo TP cho phép thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa của ngành y tế TP; hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh. Ngoài ra, Sở Y tế thành lập Tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc. Cùng với đó, Hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện cập nhật phác đồ điều trị, danh mục thuốc cần mua sắm phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.
Nói về thực trạng thiếu nhân lực, theo Bộ Y tế tính đến nay đã có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Tại TP.HCM, năm 2021 đã có 1.154 nhân viên nghỉ việc , trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1001 điều dưỡng, chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của TP.
Về nguy cơ dịch chồng dịch, ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4). Ngành Y tế luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học,… và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại.
Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt hơn nữa công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết. Sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch COVID-19 và dịch sốt xuất huyết…
Tú Chi