SHTP là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia do Thủ tướng thành lập theo Quyết định số 145/2002 với sứ mạng xây dựng nền móng cho công nghiệp công nghệ cao.

fpt2

Ông Trương Gia Bình chia sẻ về giá trị công nghệ FPT cho quan khách

Động lực phát triển của TP HCM

Với sự phát triển của SHTP, TP HCM sẽ có cơ hội phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo AI, Blockchain, Metaverse, Cloud; nghiên cứu phát triển các công nghệ mới nhất về năng lượng sạch (gió, mặt trời…) cũng như các phương thức tích lũy năng lượng như hydro và các động cơ điện; các thế hệ xe năng lượng sạch thế hệ mới…

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập SHTP, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, SHTP cần kiến tạo các ngành công nghiệp mới cho quốc gia, đầu tàu về nghiên cứu và phát triển (R&D). Sự ra đời của SHTP đã góp phần làm thay đổi, từ khu vực chưa phát triển về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội dần trở thành một khu vực hiện đại. SHTP quy tụ những hoạt động sản xuất, nghiên cứu phát triển, ươm tạo và đào tạo trong công nghệ cao có hiệu quả của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhận xét, “TP HCM sẽ không thể tỏa sáng như một trung tâm trí tuệ của khu vực nếu không SHTP”. Ông Bình đưa ra dẫn chứng, Ấn Độ sẽ không trở thành cường quốc phần mềm nếu không có Bangalore. Trung Quốc sẽ không có được lợi thế cạnh tranh công nghệ với các cường quốc nếu không có Thẩm Quyến. Hy vọng các tập đoàn thế giới tiếp tục nhìn Việt Nam không phải nhân lực rẻ mà nhìn Việt Nam như một trung tâm đổi mới sáng tạo có nhiều người trẻ, hệ thống giáo dục tốt. Hãy đầu tư vào đây để xây dựng các công nghệ mới tại Việt Nam.

Năm 2020, FPT xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) tại SHTP quy mô 8 tầng trên diện tích 10.000m2. Công trình cung cấp 3.600 rack (tủ chứa các thiết bị mạng). Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam thiết kế theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh- LEED CERTIFICATION, không sử dụng ắc quy nên góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo độ tin cậy cao cho hệ thống điện toán đám mây.

Vươn tầm quốc tế

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn trong giai đoạn tới, SHTP nỗ lực đạt được các mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế tri thức, trung tâm R&D, đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là nơi sản xuất có hàm lượng công nghệ cao mà là nơi sáng tạo công nghệ, là khu đô thị sáng tạo mở, kết nối và mang tầm quốc tế. “Phải áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng trong thời gian tới. Đây được coi là yêu cầu để phát triển khu công nghệ cao trong giai đoạn mới”, ông Mãi nói và đặt mục tiêu ưu tiên nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp vi mạch, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, môi trường.

Tại SHTP, bên cạnh những công trình lớn, công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại SHTP cũng như khu vực phía Nam ngày càng được chú trọng. Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Công nghệ FPT, thuộc không gian khoa học của SHTP, sở hữu phòng học hiện đại, thư viện thường xuyên cập nhật giáo trình, tài liệu tham khảo đáp ứng nhu cầu học tập cũng như phát triển của hàng ngàn người học và cán bộ nghiên cứu. Công trình do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế gồm 11 tầng, trên diện tích 22.540 m2 với hình khối như những dãy núi phủ cây xanh.

Đến cuối tháng 9, Khu công nghệ cao TP HCM có 160 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn trên 12 tỷ USD, trong đó có 51 dự án FDI với tổng vốn 10 tỷ USD (chiếm 84%), doanh nghiệp trong nước có 111 dự án với số vốn 1,9 tỷ USD.Vốn đầu tư trung bình tại SHTP hiện trên 75 triệu USD mỗi dự án.

Tầm nhìn đến năm 2045, Khu công nghệ cao TP HCM trở thành tiểu đô thị khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố. SHTP trong giai đoạn mới tập trung phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp trong nước tập trung vào các ngành có tính đột phá ở tầm quốc gia.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 10,106 tỷ USD/51 dự án, bình quân vốn đầu tư là 198 triệu USD/dự án. Tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD/109 dự án, bình quân vốn đầu tư là 17,7 triệu USD/dự án. Tổng lao động tham gia trong các dự án Khu Công nghệ cao Tp.HCM tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 là 51.910 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài. Dự kiến năm 2022 kim ngạch xuất khẩu Khu Công nghệ cao Tp.HCM đạt 23 tỉ USD, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao.

Lê Hà