Đó là yêu cầu được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 mới đây.

chung-cu-8-1490513489

Việc cải tạo, xây mới chung cư cũ tại TP HCM được cho là chậm do khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư

Theo ông Bình, hiện nay quy định về xây dựng, cải tạo chung cư cũ đã thuận lợi hơn sau khi Nghị định 69/2021 ra đời, tạo điều kiện cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, công nhận chủ đầu tư… Do đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu năm 2022 Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương khởi công xây mới 14 chung cư cấp D tập trung nhiều ở các quận 1 (3 chung cư), 4 và 6 (mỗi quận 2 chung cư), Tân Bình (5 chung cư)…

Cũng theo ông Bình, hiện TP có một số chung cư đã tháo dỡ, có chủ đầu tư, nhưng chưa khởi công và kéo dài quá lâu vì trong quá trình triển khai còn vướng. Vì vậy, Sở Xây dựng chủ động đề xuất để thành phố đặt lịch làm việc với Bộ Xây dựng tiếp tục tháo gỡ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến tháng 9/2021 đã di dời 6 chung cư cũ xây trước năm 1975 với hơn 333 hộ dân, đang di dời 5 chung cư với 303 trong tổng số 566 hộ dân. Thành phố đã tháo dỡ 4 chung cư cũ với tổng diện tích hơn 14.400 m2. Các chung cư trong diện tháo dỡ, di dời hiện có 11 chủ đầu tư để tiến hành xây mới, 4 chung cư chưa có chủ đầu tư.

Việc cải tạo, xây mới chung cư cũ tại TP HCM được cho là chậm do khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng như: đối với chung cư không phải cấp D phải có sự đồng thuận 100% hộ dân; còn ít cơ chế ưu đãi nhà đầu tư; chưa phân cấp phân, quyền nhiều cho quận, huyện trong việc đầu tư, xây mới chung cư cũ…

Đầu năm 2021, TP HCM có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng chung cư theo hướng nhà chức trách sẽ tháo gỡ chung cư cũ khi có 50% người dân đồng ý, thay vì 100% như quy định.

chung-cu-cu

 

Trước đó, UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, hiện TP có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, trong đó nhiều tòa nhà hư hỏng nặng cần phải thay mới. Theo quy định, với chung cư nguy hiểm, cư dân có 3 tháng lựa chọn nhà đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chung cư hư hỏng nặng có thời hạn một năm. Quá thời gian này, cư dân chưa làm xong, nhà nước có trách nhiệm phá dỡ và lựa chọn nhà đầu tư để xây mới.

Tuy nhiên, trên thực tế khi hết thời gian cho phép, ở nhiều chung cư người dân không thỏa thuận được phương án. Một số trường hợp đạt đồng thuận nhưng sau đó lại đề nghị thay đổi từ nhận tiền sang nhận nhà hoặc ngược lại. Điều này gây ra khó khăn cho cả hai phía, nhất là chủ đầu tư phải chuẩn bị tiền mặt để bồi thường, chi phí tạm cư, xây quỹ nhà tái định cư…

Để gỡ vướng mắc nói trên, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung vào dự thảo phương án bồi thường đối với trường hợp xây chung cư hư hỏng nặng do nhà nước đầu tư. Việc bồi thường vẫn thực hiện bằng tiền hoặc căn hộ, nhưng bổ sung quy định nhà nước sẽ cưỡng chế khi có từ 50% cư dân đồng thuận phương án. Chủ sở hữu căn hộ khi bị cưỡng chế được bồi thường bằng tiền với mức giá trung bình của các chủ căn hộ đã chấp thuận.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định về tỉ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư có kết luận kiểm định cấp C (cấp nguy hiểm cục bộ) là 80%. Đây là tỉ lệ đồng thuận để chọn chủ đầu tư, chứ không phải để tháo dỡ chung cư.

Ngân Giang