Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời UBND TP.HCM về một số đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại TP.HCM.
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri TP.HCM gửi tới Quốc hội Khóa XV do Văn phòng Chính phủ gửi kèm văn bản số 580/VPCP-QHĐP ngày 22/01/2022 với nội dung kiến nghị xem xét sửa đổi một số quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Cụ thể, đề nghị xem xét, sửa đổi bổ sung Khoản 3 Điều 110 của Luật Nhà ở 2014 như sau: “Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này nhưng được tất cả hai phần ba các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư”.
Đề nghị xem xét, sửa đổi bổ sung Khoản 3 Điều 13 Luật Nhà ở 2014 như sau: “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Chính phủ”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 626/BXD-QLN trả lời như sau: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó đã làm rõ các trường hợp nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 110 của Luật Nhà ở 2014.
Ngoài ra, quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP cũng đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong quá trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong thời gian vừa qua như vấn đề về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư dự án; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân trong thời gian thực hiện dự án…
Đối với nội dung miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ số 26/TTr-BXD ngày 10/12/2021 về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) để Chính phủ cho ý kiến và báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2022; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) của Quốc hội khóa XV.
Được biết, mới đây, UBND TP.HCM cũng có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ 3 vướng mắc về thủ tục cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng gỡ các thủ tục liên quan đến bồi thường căn hộ thuộc sở hữu nhà nước; trình tự thủ tục giao đất và chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; và các quy định về bố trí tái định cư khi cải tạo chung cư cũ.
TP.HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó đa phần xuống cấp, nguy cơ mất an toàn. Dù kế hoạch xây dựng mới chung cư cũ được đề ra từ năm 2008, nhưng 14 năm qua, TP.HCM mới hoàn tất di dời được 14 chung cư, tháo dỡ toàn bộ 10 chung cư, hoàn thành xây dựng 2 chung cư và đang xây dựng 3 chung cư khác.
Theo UBND TP.HCM, quá trình di dời, tháo dỡ và xây dựng mới chung cư cũ đang gặp nhiều vướng mắc phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ di dời, an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như nhà nước.
Thứ nhất là về bồi thường đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trước đây Quyết định 73/2008 của UBND TP.HCM quy định chủ đầu tư phải nộp 40% giá trị nhà, đất vào ngân sách. Tuy nhiên, Nghị định 101/2015 và Nghị định 69/2021 của Chính phủ lại không có quy định bồi thường nộp tiền vào ngân sách nhà nước đối với các căn hộ thuộc sở hữu nhà nước mà chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng và bàn giao lại căn hộ mới cho nhà nước để bố trí cho người thuê tiếp tục thuê.
Hiện nay có 7 dự án với 1.051 căn hộ, chủ đầu tư không nộp 40% giá trị nhà, đất vào ngân sách, gây ảnh hưởng đến quyền lợi nhà nước. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị phương án bồi thường đối với các dự án chuyển tiếp thực hiện theo 2 bước: Nếu người đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước không có nhu cầu thuê lại nhà tái định cư thì hỗ trợ 60% giá trị nhà, đất; đồng thời chủ đầu tư phải nộp 40% giá trị còn lại vào ngân sách nhà nước.
Thứ hai là bồi thường cho nhà nước đối với phần diện tích sở hữu chung như hành lang, cầu thang, lối đi chung; cũng như diện tích đất sử dụng chung như khuôn viên, sân chung… mà trước đây chưa phân bổ bán cho các hộ dân vì chưa có quy định. Đến nay, Nghị định 69/2021 của Chính phủ đã đưa ra yêu cầu bồi thường cho phần diện tích nhà, đất này, nhưng quy định chưa rõ ràng, dẫn đến có thể hiểu theo 2 cách khác nhau về thời điểm xác định đơn giá bồi thường. Để thống nhất thực hiện, UBND TP.HCM đề xuất đơn giá được tính tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường bổ sung.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong các trường hợp như không kêu gọi được nhà đầu tư, không thể xây dựng lại chung cư ở vị trí cũ. Hiện có 7 dự án đang gặp vướng mắc về vấn đề này, gồm: 155 – 157 Bùi Viện (Q.1), 6Bis Nguyễn Tất Thành, Trúc Giang (Q.4), 440 Trần Hưng Đạo (Q.5), 119B Tân Hòa Đông (Q.6), 137 Lý Thường Kiệt, 149 – 151 Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình).
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng xử lý là nhà nước sẽ tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân ở các địa điểm khác bằng nguồn vốn đầu tư công; đồng thời khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất để tổ chức đấu giá, thu hồi ngân sách.
Phương Uyên