Với những dự án nhà ở tồn kho, sử dụng không hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
UBND TP.HCM vừa có Công văn số 1664/UBND-ĐT giao Sở Xây dựng TP tham mưu UBND TP giải quyết cho phép các dự án bất động sản tồn kho có nhu cầu chuyển đổi phân khúc.
Cụ thể, Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình triển khai các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ ngân sách, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trường hợp dự án nhà ở sinh viên khai thác không hiệu quả thì đề xuất UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Đối với các dự án bất động sản nhà ở phân khúc trung cấp, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư dự án có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội thì Sở Xây dựng TP tham mưu lãnh đạo giải quyết theo quy định.
Đối với Sở Tài chính, UBND TP cũng đề nghị tham mưu, đề xuất UBND TP việc sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha theo quy định và do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc giai đoạn 2011-2020 khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 35.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn… Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chỉ mới xây dựng, bàn giao 198 dự án với 81.700 căn hộ, mới đạt được khoảng 33% kế hoạch đã đề ra.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 4/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn. Đồng thời, đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.
Chính phủ cũng giao Bộ KH-ĐT cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó có 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng quốc doanh, nhằm hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Như vậy, sau gói hỗ trợ cho vay mua và tạo lập nhà ở 30.000 tỷ của Chính phủ kể từ tháng 6/2012 (đã kết thúc vào tháng 5/2016), đây là gói hỗ trợ có quy mô lớn tiếp theo cho nhà ở xã hội.
Thị trường kỳ vọng gói vốn này vừa tạo điều kiện cho người dân lao động mua nhà; đồng thời tạo thêm nguồn cung căn hộ giá rẻ cho thị trường đang khan hiếm, giúp thị trường bất động sản ổn định trong bối cảnh sụt giảm thời gian qua.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề xuất thêm Chính phủ, NHNN xem xét ban hành chính sách “Tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp.
Bởi theo ông Châu, việc giới trẻ có nhà riêng sẽ kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển.