Với xu hướng đầu tư mạnh vào công nghệ trong bối cảnh kinh tế số phát triển, Công nghệ thông tin/Viễn thông (CNTT/VT) tiếp tục dẫn đầu nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Ngày 07/3/2025, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2025.
Thông qua Bảng xếp hạng FAST500, Vietnam Report cũng đưa ra nhận định về Top 5 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn trong năm 2025.

Bảng xếp hạng FAST500
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, với xu hướng đầu tư mạnh vào công nghệ trong bối cảnh kinh tế số phát triển, Công nghệ thông tin/Viễn thông (CNTT/VT) duy trì năm thứ tư liên tiếp dẫn đầu nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Hơn 75% số doanh nghiệp dự kiến tăng ngân sách dành cho chuyển đổi số trong năm 2025. Làn sóng gia tăng nhu cầu về AI, Big Data, và các dịch vụ điện toán đám mây ngày càng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Trong năm qua, Việt Nam đã triển khai thương mại hóa 5G – một bước tiến quan trọng trong viễn thông, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới và nhiều cơ hội kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ toàn cầu.
Tháng 12/2024, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với NVIDIA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI và Trung tâm Dữ liệu AI, tập trung vào y tế, giáo dục, giao thông và tài chính. Thỏa thuận đánh dấu bước tiến quan trọng, giúp Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu châu Á, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao và tạo đột phá cho các ngành công nghệ chủ chốt.
Chính phủ cũng đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ như chiến lược “Make in Vietnam” và đầu tư vào cơ sở hạ tầng số. Hạ tầng công nghệ, chính sách quản lý dữ liệu, an toàn thông tin, khung pháp lý cho nền kinh tế số đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp công nghệ vững bước tăng trưởng.
Nhóm ngành Vận tải/Logistics với 44,4% doanh nghiệp bình chọn đã vươn lên vị trí thứ hai trong số các ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn trong năm 2025 nhờ vào sự phát triển của thương mại điện tử và việc Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.670,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,0% so với năm trước. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường vận tải hàng hóa và logistics Việt Nam dự báo ước tính đạt 52,06 tỷ USD vào năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 đã hướng mục tiêu nâng quy mô logistics trong GDP từ 10% lên 15%, nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics từ 14-15% lên 20%. Dư địa tăng trưởng cho ngành vẫn lớn khi các hạn chế về hạ tầng logistics đang từng bước được khắc phục, nhiều công trình lớn, hiện đại, các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông như cảng biển, đường cao tốc và sân bay, kết nối hài hoà các phương thức vận tải, đang được phát triển.
Việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của chính phủ, được kỳ vọng sẽ giúp ngành này duy trì đà tăng trưởng và là một trong những mảng quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đáng chú ý, ngành Bất động sản/Xây dựng/Vật liệu xây dựng (BĐS/XD/VLXD) đã có sự gia tăng mạnh về tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn (+20,0%) và quay trở lại trong top 5 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong năm nay. Với nền so sánh thấp của giai đoạn khó khăn kéo dài vừa qua, năm 2025, thị trường BĐS/XD/VLXD Việt Nam hứa hẹn chuyển mình từ trạng thái trì trệ sang một chu kỳ phát triển mới.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như giảm thủ tục hành chính, hoàn thiện khung pháp lý (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi có hiệu lực sớm từ tháng 8/2024), đã giúp tháo gỡ nút thắt cho thị trường, giải quyết các dự án bị ách tắc pháp lý – một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn vừa qua.
Năm 2025 cũng là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong năm nay, Chính phủ dự kiến giải ngân 790.727 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công, trong đó, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, kéo theo sự tăng trưởng cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cũng như doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức tồn tại và cần thêm thời gian để những quy định pháp lý mới chuyển từ chính sách trên văn bản thành những thay đổi rõ ràng trong thực tiễn, nhìn chung, 2025 hứa hẹn là giai đoạn củng cố của thị trường BĐS/XD/VLXD, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững hơn vào năm 2026, với điều kiện các chính sách tiếp tục được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây là thời điểm mà những nỗ lực cải cách mạnh mẽ bắt đầu mang lại tác động rõ rệt, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp bứt phá tăng trưởng. Sự quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo ra một sân chơi công bằng và minh bạch của Chính phủ là động lực dẫn đến sự chuyển biến toàn diện trong các lĩnh vực.
Môi trường kinh doanh mới với hành lang pháp lý rõ ràng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho một tương lai thịnh vượng của đất nước. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình với những biến động kinh tế và công nghệ, năm 2025 là thời điểm quan trọng để Việt Nam khẳng định vị thế, tiếp tục xây dựng nền tảng cho các mục tiêu chiến lược dài hạn.
Minh Phương