Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã dần khẳng định tên tuổi trên bản đồ thế giới. Việt Nam là quốc gia chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu, luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam. EU là khối thương mại lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP trung bình 0,9% mỗi năm. Hiệp định EVFTA được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang mở ra những tiềm năng lớn về xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam (cắt giảm thuế quan về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực). Điều này cho thấy, Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Việt Nam đang có chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia để đưa hồ tiêu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 8/2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt xấp xỉ 20,14 nghìn tấn, trị giá 75,34 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 32,4% về trị giá so với tháng 7/2023, so với tháng 8/2022 tăng 9,0% về lượng và tăng 0,2% về trị giá.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt trên 188 nghìn tấn. Dự báo, năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu sẽ tăng từ 3% đến 5% về lượng so với năm 2022.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 3.741 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 7/2023, nhưng vẫn giảm 8,1% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 3.273 USD/tấn, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2022.
10 thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất; Ấn Độ; Đức; Hà Lan; Philippines; Thái Lan; Nga; Anh; Hàn Quốc.
Tháng 8/2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng từ 2 đến 3 con số so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Hà Lan, Philippines, Hàn Quốc…
Cùng những kết quả trên là thách thức mà hồ tiêu Việt đang phải đối mặt. Theo đó, hồ tiêu Việt đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.
Những bất ổn về địa chính trị hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ hồ tiêu. Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hạt tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ còn biến động trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu còn tăng giảm thất thường.
Sản xuất hồ tiêu ở Việt Nam còn nhỏ, manh mún, thiếu liên kết giữa người sản xuất với nhà khoa học, doanh nghiệp nên tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật, khâu thu hoạch thủ công, bảo quản sau thu hoạch còn yếu nên chất lượng hồ tiêu kém, không đồng đều, khó đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu sang các thị trường EU.
Theo một số chuyên gia trong ngành, để sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, doanh nghiệp ngành tiêu cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về dư lượng hóa chất, tiêu chí sản xuất theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết nhà sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu.
Nhà sản xuất cần ứng dụng các công nghệ trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kết nối khách hàng. Nhà nước và các cơ quan xúc tiến thương mại định hướng lại chiến lược xây dựng hình ảnh và tăng cường sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm; có chiến lược cụ thể, hiệu quả để phát triển sản phẩm mới tại các thị trường cao cấp, giảm rủi ro khi phụ thuộc một vài thị trường.
Bên cạnh đó cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lịch sử về giá, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong các năm qua, từ đó có cơ sở dự đoán, dự báo tình hình tiêu thụ, sản xuất trong những năm tiếp theo.
Tuệ Anh