Trong khi toàn thế giới phải gồng mình trải qua cơn bão đại dịch COVID-19, thì tại Việt Nam, mặc dù đương đầu tốt hơn nhưng cũng đứng trước nỗi lo về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cú lao dốc của thị trường chỉ mất 4 tháng chao đảo và ghi nhận những tháng tiếp theo đến cuối năm là sự “thăng hoa” bất ngờ.

10-doanh-nhan

Có thể thấy, Việt Nam đã trải qua một cuộc kiểm tra sức khoẻ doanh nghiệp đầy cam go, đây cũng là lúc các doanh nhân Việt phát huy cao độ trí lực của mình để lèo lái con thuyền trong cơn bão.

Top 10 doanh nhân sở hữu tài sản “khủng” trên sàn chứng khoán Việt phải kể đến những cái tên như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, ông Trịnh Văn Quyết,  bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh,… Tính đến tháng 10/2020, thị trường chứng khoán ghi nhận tổng giá trị tài sản của top 10 doanh nhân giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là 310.994 tỷ đồng.

Ông Phạm Nhật Vượng

Đứng đầu danh sách không ai khác chính là tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), thành viên HĐQT CTCP Vinhomes (VHM).

Tính đến hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ trên 876 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 25,43% vốn điều lệ Vingroup và sở hữu hơn 1,12 tỷ cổ phiếu VIC gián tiếp sở hữu thông qua 92.88% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.

Tổng tài sản vốn hóa của ông Phạm Nhật Vượng năm 2020 được ước tính đạt 207,9 nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup vẫn kiên định với mục tiêu phát triển thành một tập đoàn công nghệ – công nghiệp – thương mại dịch vụ hàng đầu. Trong 9 tháng đầu năm 2020,Vingroup ghi nhận kết quả tăng trưởng  tốt nhờ tập trung bàn giao tại ba đại dự án Vinhomes và hoạt động sản xuất phục hồi mạnh mẽ, doanh số bán điện thoại và xe và tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành một số chính sách thuận lợi cho thị trường ô tô.

Ông Phạm Nhật Vượng còn được xem là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam được Forbes bình chọn vào danh sách những tỷ phú USD thế giới vào năm 2013 với tổng tài sản tính đến thời điểm đó vào khoảng 1,5 tỷ USD. Đến đầu năm 2020, tài sản của vị tỷ phú này đã lên con số 8,25 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Hiện bà đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc CTCP Hàng không VietJet, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico.

Phần lớn tài sản của bà Thảo đến từ số cổ phần đã niêm yết của Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) sau khi hãng bay này IPO vào tháng 2/2017.

Bà Thảo hiện đang nắm giữ hơn 47 triệu cổ phiếu HDB, hơn 47 triệu cổ phiếu VJC và hơn 154 triệu cổ phiếu VJC gián tiếp sở hữu thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Năm 2020, dưới tác động của đại dịch, toàn ngành hàng không nói chung và Vietjet Air nói riêng đều bị ảnh hưởng lớn.

Sau 9 tháng, Vietjet ghi nhận doanh thu sụt giảm 64% xuống 13.780 tỷ đồng, qua đó lỗ 925 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới 3.680 tỷ đồng. Ước tính tổng giá trị tài sản vốn hoá của bà Thảo hiện vào khoảng 26,5 nghìn tỷ đồng.

Bà Thảo là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam được Forbes ghi nhận sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Ông Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết hiện là chủ tịch HĐQT  Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng không Tre Việt (BAV). Cổ phiếu nắm giữ bao gồm: ART, FLC, GAB, ROS, FHH, BAV. Tài sản vốn hoá lên tới 25,3 nghìn tỷ đồng.

2020 là năm mà FLC dưới sự dẫn dắt của ông Trịnh Văn Quyết đã tái cấu trúc quyết liệt trên nhiều phương diện, đồng thời vẫn thể hiện được sự linh hoạt nắm bắt cơ hội ngay trong những thời điểm khó khăn.

Thành quả là FLC đã có được sự phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời gian kỷ lục tại các tất cả các dự án bất động sản cũng như các quần thể nghỉ dưỡng từ Bắc vào Nam, chỉ một thời gian ngắn sau khi giai đoạn “cách ly” do dịch bệnh hồi đầu năm được gỡ bỏ.

Tiếp đó là đẩy mạnh tiến độ thi công tại các công trường cả nước, khai trương khách sạn quy mô lớn nhất Việt Nam, ra mắt nhiều sản phẩm mới mang tính tiên phong cho thị trường, đồng hành cùng chính quyền thực hiện chuỗi sự kiện kích cầu quy mô lớn trên nhiều tỉnh thành…

Với Bamboo Airways, đó là việc khôi phục nhanh chóng toàn bộ mạng bay nội địa, giữ vững tỷ lệ đúng giờ cao nhất toàn ngành (đã được duy trì từ khi cất cánh), được cấp phép bay thẳng đến Mỹ, mở rộng đội bay để sẵn sàng cho giai đoạn hậu Covid, mở thêm nhiều đường bay mới, trong đó có 5 đường bay thẳng tới Côn Đảo đạt được thành công lớn.

Điều đặc biệt, đây chính là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam và có lẽ cũng là hãng hàng không duy nhất trên thế giới năm nay vẫn đạt được tăng trưởng công suất khai thác, đội bay, đường bay, nhân lực vượt cùng kỳ năm trước, một tín hiệu rất khả quan cho dự định chính thức niêm yết trong thời gian tới của hãng.

Ông Trịnh Văn Quyết hiện nắm giữ hơn 200 triệu cổ phiếu FLC, hơn 51% cổ phần CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (GAB), cùng với một tỷ lệ cổ phần nhỏ tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Chứng khoán BOS (ART). Với việc tính thêm lượng cổ phiếu OTC nằm trong hơn 40% sở hữu tại hãng hàng không Bamboo Airways (BAV) và hơn 52% sở hữu tại CTCP Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes (FHH), tổng giá trị tài sản vốn hóa của ông Trịnh Văn Quyết hiện được ước tính vào khoảng 25,3 nghìn tỷ đồng.

Ông Hồ Hùng Anh

Ông Hồ Hùng Anh được Forbes xếp hạng là người giàu thứ ba tại Việt Nam, với khối tài sản chủ yếu đến từ cổ phần của ông cùng gia đình tại Techcombank (TCB) và Masan (MSN). Hiện ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch HĐQT Techcombank với tổng tài sản vốn hoá là 21,8 nghìn tỷ đồng.

Hiện ông Hùng Anh sở hữu hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, hơn 173 triệu cổ phiếu MSN (gián tiếp sở hữu thông qua 47.56% cổ phần tại CTCP Masan) và hơn 73 triệu cổ phiếu MSN (gián tiếp sở hữu thông qua 47.56% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương).

Techcombank được biết đến là một trong số ngân hàng có sức hấp dẫn lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt sau khi xuất hiện thông tin JP Morgan khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu TCB.

Theo một số luận điểm được JP Morgan đưa ra khi nâng định giá TCB, đây là ngân hàng có ROA dẫn đầu mặc dù thị phần huy động ở mức thấp (khoảng 3%).

Hai là, Techcombank là một trong những ngân hàng hiếm hoi trong ngành kiếm được lợi nhuận lớn từ cả hai hoạt động tín dụng và thu phí dịch vụ, giúp ngân hàng này có thể duy trì lợi nhuận trong giai đoạn dài.

Ông Trần Đình Long

Ông Trần Đình Long là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát, sinh ngày 20/2/1961 tại Hải Dương. Ông Long giữ 700 triệu cổ phiếu của HPG, uớc tính khối tài sản vốn hoá của ông Long hiện xấp xỉ 35,4 nghìn tỷ đồng.

Năm 2020, Hòa Phát được hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Nhà nước và sự gia tăng nhu cầu thép của thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của “đại gia” ngành thép có sự bứt phá rõ rệt.

Hòa Phát phá đỉnh lợi nhuận trong quý 3 với 3.785 tỷ đồng, gấp đôi kết quả cùng kỳ, qua đó đẩy lãi ròng 9 tháng tăng 56% lên mức 8.845 tỷ đồng, gần đích lợi nhuận cả năm 2020.

11 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất của Hòa Phát đạt gần 5,2 triệu tấn thép thô, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Về tiêu thụ, Hòa Phát đạt trên 3 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng xuất khẩu thành phẩm đạt 480.000 tấn, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, Hòa Phát còn xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn phôi vuông để sản xuất thép xây dựng.

Động lực từ kết quả kinh doanh giúp cổ phiếu HPG duy trì được đà tăng bền bỉ suốt từ vùng đáy hồi cuối tháng 3. Hiện, ông Long đang trực tiếp nắm giữ 864 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ 26,08% cổ phần tại Hòa Phát.

Ông Nguyễn Đăng Quang

Ông Nguyễn Đăng Quang hiện là cổ đông lớn  tại Tập đoàn Massan đã công bố chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025, trong đó VinCommerce đặt mục tiêu mở rộng 300 siêu thị VinMart, 10.000 cửa hàng VinMart+ khắp 63 tỉnh thành, đồng thời bắt tay 100 đối tác chiến lược nhằm tăng cường mức đầu tư, đổi mới sản phẩm và xây dựng mô hình hợp tác “win – win”.

VinCommerce là nền tảng bán lẻ với 122 siêu thị VinMart và 2.524 siêu thị mini VinMart+ (tính đến cuối tháng 9/2020) tại 58 tỉnh thành, đồng thời sở hữu hệ thống 14 nông trường sản xuất nông nghiệp công nghệ cao VinEco. VinCommerce đang trên đà hướng đến mục tiêu hòa vốn trong quý 4/2020, tạo tiền đề cho việc mở rộng mạng lưới cửa hàng mạnh mẽ trong năm 2021.

Ông Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu 30.000 cổ phiếu MCH, hơn 9 triệu cổ phiếu TCB, hơn 177 triệu cổ phiếu MSN (gián tiếp sở hữu thông qua 48,5% cổ phần tại CTCP Masan) và 75 triệu cổ phiếu MSN (gián tiếp sở hữu thông qua 48,5% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương).

Tổng giá trị tài sản vốn vào thời điểm cuối năm 2020 của ông Quang được ước tính vào khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Ông Bùi Thành Nhơn

Ông Bùi Thành Nhợn hiện là chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Novaland (NVL), tài sản vốn hoá lên tới 14,5 nghìn tỷ đồng.

Luôn sở hữu nhiều “đất vàng” và dự án bất động sản đình đám, Novaland dự kiến sẽ bàn giao 10 dự án trong năm nay, bao gồm 7 dự án tại TP.HCM. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục phát triển 22 dự án, trong đó có hai dự án mới ở khu Đông TP.HCM (quận 2, quận 9) và các dự án ở khu Tây (quận Phú Nhuận, quận Tân Bình).

Hiện nay, Novaland cũng đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn như Aqua City (Biên Hòa, Đồng Nai) và tổ hợp các dự án nghỉ dưỡng mang thương hiệu Novahills, NovaWorld, Novabeach ở Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa…

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của Novaland, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn đang là cổ đông lớn nhất với 21,28% cổ phần. Tuy nhiên, ông Nhơn còn là người đứng đầu tại nhiều công ty khác liên quan tới Novaland như Chủ tịch HĐQT Novagroup; Chủ tịch HĐQT Diamond Properties; Chủ tịch HĐQT Anova Corp… Nếu tỷ lệ sở hữu ở các doanh nghiệp này được công khai thì khối lượng tài sản vốn hoá của ông Nhơn chắc chắn còn cao hơn.

Ước tính, tổng tài sản vốn hoá hiện tại của ông Bùi Thành Nhơn hiện là 14,5 nghìn tỷ đồng.

Ông Hồ Xuân Năng

Ông Hồ Xuân Năng hiện là chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone (VCS) với tài sản vốn hoà là 10.8 nghìn tỷ.

Vicostone vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất quý 3/2020. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp ước đạt 1.499 tỉ đồng, tăng 1,7% và lợi nhuận sau thuế 400 tỉ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Vicostone, trong quý 3, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tới Việt Nam và các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, với nỗ lực phát huy các thế mạnh và nguồn lực của mình, công ty đã đạt được mức tăng trưởng trong quý 3 cả về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất.

Ông Hồ Xuân Năng hiện là cổ đông lớn nhất tại Vicostone. Hiện nay, ông sở hữu 117.550.078 cổ phiếu VCS thông qua cả hình thức trực tiếp và gián tiếp.Cụ thể, ngoài sở hữu trực tiếp 5,8 triệu cổ phiếu VCS, số còn lại, ông Hồ Xuân Năng đang gián tiếp sở hữu thông qua 90% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A. Ước tính khối tài sản vốn hoá của ông Hồ Xuân Năng đến cuối 2020 đạt 10,8 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đạt

Ông Nguyễn Văn Đạt hiện là chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) với tài sản vốn hoá là 10,2 nghìn tỷ đồng.

Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội là dự án trọng điểm và mang về nguồn tiền chính cho PDR trong năm 2020. Theo đó, đi ngược với tình hình của nhiều chủ đầu tư, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu Phát Đạt đạt 2.498 tỷ đồng, tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 718 tỷ đồng, tăng 78,6%.

Là một trong những cổ đông sáng lập, ông Đạt định hướng Phát Đạt phát triển chủ lực là các dự án bất động sản cao cấp, khách sạn, resort…

Có quỹ đất lớn trải đều ở TP.HCM và nhiều địa phương lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An hay Bình Định, 2020 vẫn là một năm tích cực đối với PDR. Công ty đang gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại dự án Phân khu số 9 và bắt đầu bàn giao một số nền đất của dự án cho khách hàng, đồng thời rốt ráo giải quyết các thủ tục pháp lý để bàn giao sản phẩm tại hai dự án The EverRich 2 (River City) và The EverRich 3 – vốn chiếm tới 46% trong giá trị hàng tồn kho của PDR. Những nguồn thu này, theo đại diện Phát Đạt, “sẽ góp phần giúp doanh thu tăng trưởng đột biến vào cuối năm 2020”.

Giá trị tài sản vốn hoá của ông Nguyễn Văn Đạt hiện được ước tính vào khoảng 10,2 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Tài

Ông Nguyễn Đức Tài là chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (MWG) và là thành viên HĐQT CTCP Thế Giới Số Trần Anh. Ông Tài nắm giữ phần lớn cổ phiếu MWG, tài sản vốn hoá lên tới 7,4 nghìn tỷ đồng.

Chuỗi bán lẻ do ông Nguyễn Đức Tài dẫn dắt có quy mô đến cuối tháng 11/2020 lên tới 3.894 cửa hàng trên khắp cả nước bao gồm 933 cửa hàng Thế Giới Di Động, 1.274 cửa hàng Điện Máy Xanh và1.687 cửa hàng Bách Hóa Xanh.

2020 là năm khó khăn với ngành bán lẻ do yếu tố Covid-19. Tuy nhiên, MWG đã tăng trưởng lợi nhuận dương trở lại từ quý 3, qua đó vượt kế hoạch lãi sau 11 tháng.

MWG tiếp tục hướng đến mục tiêu trở lại đà tăng trưởng hai chữ số năm 2021 bất chấp những rủi ro tiềm ẩn do dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đức Tài hiện đang trực tiếp nắm giữ hơn 12 triệu cổ phiếu MWG bên cạnh 19,3 triệu cổ phiếu sở hữu gián tiếp thông qua Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ.

Ước tính khối tài sản vốn hoá của ông Tài tính đến cuối năm nay vào khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng.