Ấn Độ là nước ‘sáng tạo’ nhất với 3 đại diện. Trung Quốc và Hàn Quốc mỗi nước có 2, trong khi đó Nhật chỉ có 1 đại diện duy nhất.
Đây là danh sách bình chọn hàng năm của tạp chí Fast Company (Mỹ), hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Danh sách này nổi tiếng ngang hàng với bảng “tỷ phú” của Forbes.
1. Seegene (Hàn Quốc)
Thành tích nổi bật: Sản xuất thành công phương pháp xét nghiệm Covid-19 và phân phối hơn 55 triệu bộ kit xét nghiệm đến 67 quốc gia.
Công ty công nghệ sinh học Seegene đã xây dựng mô hình chẩn đoán phân tử virus Covid-19. Thành tựu này giúp Hàn Quốc ngăn chặn thành công đợt dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Theo số liệu, có hơn 80% các ca xét nghiệm ở Hàn Quốc vào tháng 4/2020 sử dụng bộ kit của Seegene. Sau này khi đại dịch bùng phát toàn cầu, bộ kit nhanh chóng nổi tiếng khi phân phối đến hơn 67 quốc gia.
2. Milk Mantra (Ấn Độ)
Thành tích nổi bật: Hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi động sáng kiến cho phép nông dân chăn nuôi bò sữa quy mô nhỏ tiếp cận các phương thức thanh toán kỹ thuật số.
Milk Mantra thu thập, đóng gói và kinh doanh các sản phẩm sữa đến hơn 10.000 nhà bán lẻ và khách hàng. Công ty này trực tiếp làm việc với người nông dân để sản xuất, kiểm định và kiểm soát chất lượng sữa.
Năm nay, Milk Mantra đã hợp tác với USAID để khởi động sáng kiến cho phép nông dân có thể kết nối đến các khoản thanh toán kỹ thuật số. Trước đây họ phải đi rất xa để có thể lấy tiền. Ngoài ra, Milk Mantra còn rút ngắn chu kỳ thanh toán từ 10 xuống còn 5 ngày, cho phép người nông dân tiếp cận nguồn tiền sớm hơn và tránh việc gián đoạn hoạt động.
3. Policybazaar (Ấn Độ).
Thành tích nổi bật: Bảo hiểm mất việc và giúp đỡ những người thất nghiệp hoàn trả các khoản vay.
Trong tình hình thất nghiệp, mất việc vì dịch Covid-19, Policybazaar – công ty bảo hiểm lớn nhất Ấn Độ – đã khởi động một loại hình bảo hiểm mất việc theo chiều dọc (tức các giải pháp bảo hiểm tập trung vào những ngành nghề nhất định như bán lẻ, y tế, sản xuất,… chứ không phải bao phủ toàn bộ các ngành).
Bảo hiểm này cung cấp các khoản hỗ trợ cho những người thất nghiệp, giúp họ chi trả khoản vay trong tối đa 3 tháng. Đối tượng được hỗ trợ cũng bao gồm những người không thể lao động do thương tật, tàn tật hoặc tử vong. Quyền lợi lương của những đối tượng này có thể kéo dài đến 2 năm.
4. Tencent (Trung Quốc)
Thành tích nổi bật: Nâng cấp tính khả dụng của mạng xã hội, đặc biệt trong việc tìm kiếm, chi trả và mua sắm.
Tencent đã tích hợp rất nhiều tính năng mới trên nền tảng mạng xã hội – tài chính – game WeChat của mình. Giờ đây 1,2 tỷ người dùng WeChat có thể tìm kiếm các dịch vụ và nội dung xuyên suốt hệ thống bằng cách nhấn vào một từ trong một đoạn hội thoại.
Ngoài ra, Tencent cũng chia nhỏ ứng dụng thanh toán WePay thành các phân ngành nhỏ hơn, bao gồm Dịch vụ Tài chính, Du lịch và Vận tải, Mua sắm và Giải trí. Chẳng hạn với phân ngành Mua sắm, người dùng có thể kết nối đến các mini shop – một hình thức cửa hàng ảo từ những đối tác bán lẻ của Tencent – và mua sắm trực tiếp thông qua livestream. Đây là hình thức mà người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng
5. Nextbillion.ai (Singapore)
Thành tích nổi bật: Hỗ trợ các công ty logistics chặng cuối (tức vận tải hàng hóa từ trung tâm phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng) thông qua bản đồ tùy chỉnh dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
NextBillion.ai ra đời bỏi 2 thành viên Grab vào tháng 2 năm ngoái. Công ty xây dựng các bản đồ tùy chỉnh dựa trên AI để giúp những công ty logistics và vận chuyển chặng cuối nắm được thông tin giao hàng chính xác, bao gồm cả EAT (thời gian lô hàng đến cảng đích), đồng thời tìm ra lộ trình chuyển hàng tốt nhất. Công ty còn đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ và tích hợp công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nhận diện khuôn mặt.
Quân Bảo