Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 25/7, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 174,113 tỷ kWh, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại báo cáo về tình hình cung ứng điện của Bộ Công thương cho biết, riêng trong tháng 7, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục tăng so với trung bình nhiều năm, một số hồ thủy điện đã xả nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa và theo chỉ đạo của Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương. Các nguồn thủy điện được huy động cao do tình hình thủy văn đã được cải thiện so với đầu năm.
Các nguồn nhiệt điện (than, khí) được điều chỉnh huy động theo tình hình vận hành nguồn thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo được huy động theo khả năng hấp thụ của lưới điện và nhu cầu hệ thống.
Bộ Công Thương đánh giá, việc cung ứng điện toàn hệ thống tính chung trong 7 tháng đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trước đó, trên cơ sở tính toán cập nhật và đề nghị của EVN, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện tháng cao điểm mùa khô, cũng như cho cả năm 2024, đảm bảo tính linh hoạt, bám sát thực tiễn nhằm chủ động trong mọi tình hình.
Theo EVN, việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo trong thời gian còn lại của năm 2024, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, tăng trưởng điện năng được dự báo tiếp tục tăng cao đến hết năm, dự phòng công suất hệ thống điện quốc gia dự báo còn thấp đến hết tháng 10, trường hợp phụ tải tăng cao kết hợp các yếu tố bất lợi của hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm.
Cũng liên quan đến ngành điện, trong báo cáo “Ngành điện chuyển mình, tiến vào chu kỳ mới” của Công ty Chứng khoán VCBS, nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo tăng trong nửa cuối 2024, dẫn đến việc EVN sẽ tăng cường huy động công suất các nhà máy điện hiện hữu và phụ tải.
Sản lượng điện sản xuất trong năm 2024 được dự báo tăng trưởng ở mức 9% (đạt 306 tỷ kWh). Dù là mức tăng đáng kể do mức nền thấp 2023, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn kế hoạch của Bộ Công Thương (10.7%). Nguyên nhân do nhóm công nghiệp sản xuất tăng trưởng vẫn yếu; El Nino làm nhu cầu điện sinh hoạt gia tăng vào mùa nóng; nguồn khí cho nhóm nhiệt khí đang suy giảm; và nhu cầu than gia tăng dẫn đến phải tăng lượng than nhập khẩu.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Quốc tế (IRI), La Nina có thể trở lại vào nửa sau năm 2024, với việc El Nino neo đỉnh trong quý 1 và chuyển pha trung tính vào quý 2. Sự xuất hiện của La Lina có thể giúp các nhà máy thủy điện hưởng lợi nhờ thủy văn tốt.
VCBS cho rằng với bối cảnh EVN vẫn đang gặp khó khăn tài chính, thủy điện sẽ được ưu tiên huy động do có giá rẻ nhất hệ thống. Tuy nhiên, thủy điện chịu tác động mạnh bởi thời tiết và diễn biến sát sao theo biến động thủy văn.
Đáng chú ý, thủy điện được dự báo không còn nhiều tiềm năng phát triển. VCBS dự kiến công suất thủy điện đạt 29,346 MW đến năm 2030, và hơn 36,000 MW đến năm 2050. Hiện tại, tổng công suất nguồn thủy điện đến năm 2023 đã đạt gần 23 ngàn MW (gồm khoảng 18 ngàn MW thủy điện vừa và lớn). Tiềm năng nguồn thủy điện vừa và lớn như vậy về cơ bản đã được khai thác gần hết, chỉ còn dư địa cho thủy điện nhỏ xây mới, hoặc tăng trưởng nhờ mở rộng các nhà máy hiện hữu.
Trong giai đoạn từ 2021-2025, dự kiến sẽ có 3 nhà máy thủy điện lớn đi vào vận hành: Hòa Bình MR, Ialy MR và Trị An MR.
Minh Anh