Quan điểm truyền thống về việc nữ giới phù hợp hơn với vai trò chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái so với việc phấn đấu sự nghiệp là một quan niệm cần được thay đổi.
Trong xã hội hiện đại, bình đẳng giới là một vấn đề quan trọng và được coi là cơ sở cho sự công bằng và phát triển. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những định kiến và quan điểm sai lầm trong việc nuôi dạy con cái, ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng phát triển của các bé gái trong tương lai.
Trong phần lớn các gia đình, từ khi con gái chào đời, các bé đã được nuôi dạy sẽ trở thành người phụ nữ đảm đang chăm sóc gia đình và hỗ trợ chồng con trong tương lai. Nhưng vai trò và trách nhiệm trong mỗi gia đình không bị giới hạn bởi giới tính. Chăm sóc gia đình là trách nhiệm cần được đảm nhận từ cả nam và nữ.
Chênh lệch giới vì các định kiến
Vì các định kiến, định hình sẵn như vậy nên các bé gái hầu như được các gia đình cho học nấu ăn, cắm hoa, may vá… làm việc nhà và thực hiện các công việc truyền thống chăm sóc gia đình, lớn lên sẽ được hướng tới tìm hiểu và học các ngành kinh tế, thương mại, văn hoá… tạo ra sự chênh lệch giới tính trong lựa chọn học tập và sự nghiệp.
Điều này không chỉ hạn chế khả năng phát triển của nữ giới, mà còn góp phần vào sự mất cân đối, mất cơ hội cho phát triển toàn diện của xã hội. Nữ giới có quyền tự do lựa chọn phát triển những sở thích và khả năng của mình mà không bị ràng buộc bởi quan niệm truyền thống.
Thực tế, nữ giới có khả năng học hỏi, tiếp thu và sáng tạo không kém gì nam giới. Họ có thể phát triển thành công trong các lĩnh vực kỹ thuật hay sáng tạo nếu được định hướng và hỗ trợ phù hợp. Việc khuyến khích nữ giới tham gia vào các ngành công nghệ, kỹ thuật không chỉ mở ra cơ hội mới cho phát triển cá nhân họ mà còn góp phần vào sự đa dạng, sáng tạo và cân bằng giới trong các ngành nghề.
Cần nhấn mạnh rằng, quan điểm truyền thống về việc nữ giới phù hợp hơn với vai trò chăm sóc gia đình, nuôi dậy con cái so với việc phấn đấu sự nghiệp là một quan niệm cần được thay đổi. Chăm sóc gia đình là hạnh phúc và trách nhiệm cần được san sẻ và gánh vác từ cả hai phía nam và nữ.
Quan trọng là cần phải tạo ra một môi trường khuyến khích và công bằng, nơi nữ giới được học hỏi, khám phá và phát triển những sở thích và khả năng của mình mà không gặp bất kỳ rào cản nào.
Để xây dựng một xã hội công bằng và phát triển, chúng ta cần thay đổi những quan niệm và định kiến giới. Việc tạo ra môi trường khuyến khích, đảm bảo sự công bằng trong việc nuôi dạy con trai và con gái, trong định hướng lựa chọn học tập, ngành nghề và sự nghiệp là cần thiết.
Chúng ta cần tôn trọng và khơi dậy tiềm năng của nữ giới, để họ có thể đóng góp vào sự đa dạng và phát triển toàn diện của xã hội. Chỉ khi đó, chúng ta mới thật sự xây dựng được một thế giới công bằng và tiến bộ cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính.
Tạo cơ hội và môi trường công bằng
Giáo dục và truyền thông. Cần tăng cường giáo dục và truyền thông về bình đẳng giới và định kiến giới. Điều này có thể bao gồm việc đưa vào chương trình giáo dục thông tin về vai trò và khả năng của cả nam và nữ, khuyến khích sự lựa chọn học tập và nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính.
Môi trường gia đình. Gia đình có vai trò quan trọng trong nuôi dạy con cái. Cần khuyến khích các gia đình tạo ra môi trường công bằng và khuyến khích sự phát triển của cả con trai và con gái. Việc chia sẻ công việc gia đình và gương mẫu tích cực từ cả hai phụ huynh sẽ giúp trẻ nhận thức về sự công bằng và cân nhắc lựa chọn sự nghiệp.
Chính sách và cơ chế hỗ trợ. Các chính sách và cơ chế cần cụ thể hơn trong hỗ trợ nữ giới trong việc phát triển sự nghiệp và đạt được cân bằng giữa công việc và gia đình. Điều này có thể bao gồm chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính và các chương trình đào tạo nghề nhằm khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào các ngành nghề kỹ thuật hay khoa học công nghệ.
Tạo cơ hội và môi trường công bằng. Cần tạo ra cơ hội công bằng và môi trường khuyến khích cho nữ giới phát triển sự nghiệp, khám phá tiềm năng của mình. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ, chương trình huấn luyện và quảng cáo tích cực về các thành công của phụ nữ trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
Khuyến khích sự tham gia và đóng góp. Đưa ra chính sách khuyến khích, thực hiện sự đa dạng giới trong quá trình tuyển dụng và thăng tiến, không phân biệt giới tính, nơi phụ nữ và nam giới đều được coi trọng và công bằng trong cơ hội phát triển và thăng tiến. Đồng thời, tạo ra cơ hội tham gia vào quyết định và quản lý trong công việc, giúp phụ nữ có tiếng nói và thể hiện khả năng lãnh đạo.
Đào tạo và phát triển năng lực. Đưa ra các chương trình đào tạo và phát triển năng lực đặc biệt dành cho phụ nữ, giúp họ nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong công việc. Đồng thời, tạo ra các cơ hội thực hành và huấn luyện để phụ nữ có thể học hỏi từ các người đi trước và xây dựng tinh thần tự tin.
Thay đổi tư duy xã hội. Cần thúc đẩy sự thay đổi tư duy xã hội và phá vỡ những quan niệm và định kiến giới. Việc tạo ra một môi trường xã hội đồng lòng với sự công bằng và tôn trọng sự đa dạng giới sẽ giúp xóa bỏ những rào cản và định kiến giới.
Mỗi hành động nhỏ của chúng ta có thể góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam công bằng hơn, nơi mọi người bất kể giới tính có cơ hội phát triển và đóng góp vào sự tiến bộ và thịnh vượng chung. Thay đổi tốt hơn bắt đầu từ sự nhìn nhận và hành động của từng cá nhân. Và chúng ta đều có thể góp phần vào cuộc cách mạng bình đẳng giới.
TS. Dương Thị Kim Liên – Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (IBIA)