Theo kết quả nghiên cứu vừa được Ngân hàng Bank of America đưa ra, ngay từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều tập đoàn Mỹ và châu Âu đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các nước khác do lo ngại căng thẳng thương mại, chi phí lao động tăng cao.

Báo cáo tiết lộ rằng đại dịch đã khiến 80% lĩnh vực toàn cầu đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và buộc hơn 75% phải mở rộng quy mô kế hoạch tái cơ cấu hiện tại của họ.

Chi phí để di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc của các công ty Mỹ và EU có thể lên tới 1.000 tỷ USD.

Trong khi đó, khoảng 2/3 (67%) công ty tham gia cuộc khảo sát của BofA nghĩ rằng xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là sự thay đổi chi phối nền kinh tế thế giới hậu COVID-19.

Khoảng 67% doanh nhân tham gia vào khảo sát của Bank of America cho rằng, việc các công ty đưa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về quê hương hoặc đến các thị trường khác sẽ là thay đổi lớn nhất trong thời kỳ sau dịch COVID-19.

“Nhiều công ty nói rằng, việc sản xuất tại Thâm Quyến (Trung Quốc) không còn hiệu quả và thay vào đó họ sẽ sản xuất tại New York. Điều này xuất phát từ nhu cầu về hiệu quả trong kinh doanh”, ông Paul Donovan – chuyên gia kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth nói.

Các chuyên gia ước tính việc chuyển tất cả các dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu không dành cho thị trường Trung Quốc ra khỏi quốc gia 1,4 tỷ dân này có thể khiến các công ty Mỹ và châu Âu tiêu tốn 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng suy giảm hiệu quả hoạt động và khả năng thanh toán, nhưng đồng thời cũng hạn chế được các rủi ro tiềm ẩn.

Các nhà phân tích cho biết điều này có thể làm giảm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các công ty xuống 70 điểm cơ bản (bp) và tỷ suất lợi nhuận dòng tiền tự do xuống 110bp. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận dòng tiền tự do thường được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời và khả năng duy trì hoạt động hàng ngày của công ty. Điều này có nghĩa là các tác động tiêu cực sẽ là “đáng kể, nhưng không đáng lo ngại trong dài hạn”, các nhà phân tích đề xuất.

Bà Candace Browning – Trưởng bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng Bank of America nói: “Chúng tôi không mong đợi một giải pháp hoàn hảo nhưng vẫn rất kỳ vọng vào những ý định tự động hóa tại các địa điểm sản xuất mới của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ hỗ trợ các công ty thông qua các biện pháp giảm thuế, cho vay với chi phí thấp và nhiều loại trợ cấp khác như những tuyên bố gần đây của giới chức Mỹ, Nhật Bản, EU, Ấn Độ”.

Trên thực tế, nếu thương chiến Mỹ – Trung là tác nhân thúc đẩy xu hướng dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thì dịch bệnh COVID-19 đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Nhiều công ty đa quốc gia đã lên kế hoạch đưa các nhà máy ra khỏi Trung Quốc sau khi chuỗi cung ứng của họ bị tê liệt do Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế vì dịch COVID-19. Điều này khiến các tập đoàn lớn nhận ra tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung để không phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

Linh Nga