giotnuocmat

 

Nước mắt nhà nghèo… Hun đúc quyết tâm

Ngày đó, tôi- một cậu sinh viên nghèo ở tỉnh lẻ vào Sài Gòn đi học tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Thuở ấy, gia đình tôi nghèo lắm, từ lúc tôi đi học lại càng nghèo hơn. Mỗi lần tôi về nhà, ba má tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là thấy con về nhà, lo là lo việc phải xoay tiền cho con mang đi. Bữa cơm gia đình tôi cứ đạm bạc dần, cuộc sống của ba má càng ngày càng khó khăn hơn. Có hôm đỉnh điểm là cái nồi cơm điện bị hư, nhưng cũng không còn tiền để đi sửa. Tôi không cam lòng, tôi đã khóc, giọt nước mắt đầu tiên của khởi nghiệp.

Lên lại thành phố, tôi xách chiếc xe đạp chạy loanh quanh khu trọ để tìm việc làm. Rồi tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện kinh doanh. Công việc kinh doanh đầu tiên của tôi là bán linh kiện máy tính với thương hiệu “Máy Tính Secondhand”.

Cơ duyên để đến với nghề này, do một lần tình cờ tôi đi mua thanh ram (bộ nhớ). Nhìn thấy anh chủ chỉ bán hàng ở nhà, tôi mạnh dạn đề nghị anh làm website bán hàng online. Thật sự lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền từ làm website thôi. Anh chủ đồng ý. Sau khi làm xong anh lại bảo tôi đăng bán. Tôi lấy sản phẩm đăng dùm và có người mua thật. Anh lại kêu tôi lấy hàng của anh và tự bán đi. Tôi chính thức khởi nghiệp kinh doanh từ ngày ấy.

Cứ đều đặn như cơm bữa, sau khi đi học về, 8h tối tôi đi giao hàng, 10 giờ đêm về làm bài tập, tầm 12 hoặc 1 giờ sáng thì ngủ. Có ngày bán được nhiều nhưng cũng có ngày chỉ lãi được 10 nghìn, chẳng may xì xe phát là lỗ vốn luôn mà vẫn đi. Rồi từ từ cũng có nhiều khách hơn, tôi dần dần lo được cho bản thân, trả được tiền nhà, tiền học.

Nước mắt khởi nghiệp… đam mê và tuyệt vọng

Cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết tâm khởi sự bài bản từ chính chuyên ngành của mình là Lập trình phần mềm. Nhưng đâm đầu ra làm riêng rồi mới thấy, đó là một bầu trời mênh mông và khó khăn vô vàn.

giotnuocmat1

Những thành viên đầu tiên của GKC

Năm cuối đại học, năm đứa chúng tôi đều là dân kỹ thuật cùng nhau hợp tác. Nhưng làm hoài mà lỗ hoài, suốt 2 năm dường như chỉ với một chữ “đam mê”. Cho đến một ngày, cái cảm giác đan xen lẫn lộn giữa sự mong mỏi, hy vọng và sự buồn chán, thất vọng về hiện tại tràn ngập. Trong lòng có những giọt nước mắt của sự hoài nghi bản thân. Tôi bắt đầu sực tỉnh và nhận ra, “mình phải học kinh doanh bài bản”, chỉ có đam mê thôi là chưa đủ.

Nước mắt thành công… Học hỏi và biết ơn

Từ đó tôi tự đặt cho mình mục tiêu phải học cách làm doanh nghiệp bài bản hơn với tổng cộng 7 mảng kiến thức phải học: Góp vốn, chiến lược, nhân sự, vận hành, kinh doanh, tài chính, pháp lý. Không thể nào trở thành chuyên gia hết tất cả được nhưng ít nhất cần biết để vận hành được. Khi đó như có một tia sáng ở cuối đường hầm lóe lên. Hành trình mới lại bắt đầu.

Trong suốt 2 năm, tôi “ăn ngủ” với việc học làm doanh nghiệp. Hành trình này nó không hề đơn giản. Tất cả như mảnh đất mới lạ, toàn kiến thức mới. So với một người chân ướt chân ráo như tôi thì có vẻ quá lớn. Lúc đó tôi chỉ giữ trong mình một suy nghĩ “Chẳng qua là lượng chưa đủ thì chất chưa đổi thôi”.

Sau khi trang bị trong mình kiến thức, tôi bắt đầu thành lập doanh nghiệp chính thức của mình, “Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ GKC”. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm thực tiễn, chiến lược thì không rõ, sản phẩm chưa định hình, nhân sự chưa ổn định, tiền thì thiếu vốn đi vay… đến mức tôi chỉ cầm cự được vài tháng nữa thôi. Sự lo lắng bắt đầu lấn át lấy tôi, giọt nước mắt của sự lo lắng bắt đầu chảy.

Cho đến khi doanh nghiệp gần “thoi thóp”, tôi quyết tâm thực hiện: Định hình chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, phân định các nhóm sản phẩm, tuyển dụng nhân sự theo nhu cầu, xây dựng kế hoạch marketing, cải tổ tài chính, phân định biến phí và định phí, xác định điểm hòa vốn, xây dựng cơ chế khoán,… Từ từ, công ty ổn định dòng tiền bắt đầu “thở” trở lại và sống đến bây giờ.

Câu chuyện về doanh nhân Phạm Minh Trí và công ty Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ GKC là bài dự thi trong cuộc thi “Nước mắt khởi nghiệp” do CTCP Hỗ trợ Doanh nghiệp Thông Minh (eSmart) tổ chức. Cuộc thi hướng đến đối tượng là các doanh nhân, với những câu chuyện về hành trình kinh doanh của mình.

Theo NSKT