Dự kiến, với EVFTA xuất khẩu của Việt Nam hướng tới một thị trường vô cùng lớn với quy mô lên tới 18.000 tỷ USD của 27 quốc gia thành viên và ngay lập tức bổ khuyết cho thị trường Trung Quốc…
Nghị viện Châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định EVFTA và sẽ sớm có hiệu lực thực thi nếu Quốc hội Việt Nam thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tới đây. Theo đó, nhiều sản phẩm sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế 0% ngay lập tức và tới hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ theo lộ trình, tạo thuận lợi cho nhiều mặt hàng vốn có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU – được kể đến như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ, kể cả các sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử hay chế biến, chế tạo…
Khi trả lời câu hỏi về cơ hội thị trường xuất khẩu và khả năng đạt được khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được thực thi – gắn với mục tiêu hướng tới giá trị xuất khẩu đạt 300 tỷ USD mà Chính phủ đặt ra trong năm 2020, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn chứng về một thị trường vô cùng lớn với quy mô lên tới 18.000 tỷ USD của 27 quốc gia thành viên, nhưng thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU chưa tương xứng với tiềm năng.
Mặc dù quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây, nhưng cũng mới chỉ đạt khoảng 41,5 tỷ USD trong năm 2019. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, những ưu đãi thuế quan sẽ tạo ra cơ hội xuất khẩu mạnh hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, cũng như là điều kiện để hàng hóa Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh về mặt giá cả.
Bởi hiện nay, mới có khoảng 40% trong tổng số các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng mức ưu đãi thuế 0%, số còn lại Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác vào EU có mức thuế ưu đãi thuế rất đáng kể.
Theo TS Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân chính là những chủ thể của hiệp định EVFTA. Với tính bổ sung rất lớn, hiệp định này sẽ mang lại “thành công kép”, chiến thắng, “win-win” cho cả 2 bên: Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam cho biết, từ thực tế sản xuất và xuất khẩu sản phẩm quế, hồi vào thị trường EU nhiều năm nay, doanh nghiệp đã sẵn sàng cho các hoạt động xuất khẩu giá trị lớn hơn vào thị trường này để đón đầu cơ hội giảm thuế nhập khẩu từ 14% xuống 0% khi EVFTA có hiệu lực.
Theo ông Phạm Văn Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường khó tính và áp dụng những tiêu chuẩn rất cao đối với sản phẩm nhập khẩu, do vậy khi đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU sẽ là cơ hội giúp cho doanh nghiệp nâng cao kinh nghiệm quản lý, quản trị doanh nghiệp cũng như mở ra cơ hội vào các thị trường khác.
“Khi doanh nghiệp đưa ra những tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa để xuất khẩu vào EU chính là doanh nghiệp đang tự nâng cấp hệ thống quản lý của chính mình. Bây giờ công ty chúng tôi chỉ còn 2 người làm logictics mà một năm làm xuất nhập khẩu khoảng 4.000 contener hàng hóa. Và khi đã xuất vào được EU thì chúng ta cũng rất dễ xuất vào thị trường khác như các thị trường Bắc Âu, thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.. bởi vì chúng ta đã có hệ thống quản lý rất tốt rồi thì các thị trường khác họ đều có thể lấy tiêu chuẩn EU để học đi theo. Khi chúng ta có được hệ thống quản lý chất lượng thì chúng ta bán được toàn thế giới” – ông Cường nói.
Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định EVFTA.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU ở nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%). Nhóm ngành chế biến chế tạo tăng: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%). Nhóm ngành dịch vụ tăng: Vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%).