Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh quan điểm, tổ chức kỳ thi với tinh thần “an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, đúng quy chế”, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức và xử lý sau kỳ thi.
Ngày 24/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết vừa có báo cáo về tình hình chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025.
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2025 là lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức cho học sinh học theo hai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT): Chương trình GDPT 2006 và GDPT 2018. Trong tổng số hơn 1,165 triệu thí sinh đăng ký dự thi, có khoảng 66% học theo chương trình mới. Số thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học chiếm khoảng 88,7%.
Bộ đã hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, xây dựng đề thi tham khảo, chuẩn bị đầy đủ đề thi chính thức và dự bị, đảm bảo độ phân hóa, phù hợp mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cán bộ tham gia xây dựng đề đều được lựa chọn kỹ lưỡng, có trình độ, được tập huấn nghiêm túc và cam kết bảo mật.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có hai ngày thi chính là 26-27/6.
Đặc biệt, phần mềm tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm được nâng cấp theo hướng tăng cường bảo mật, có khả năng kiểm soát việc truy cập, chỉnh sửa dữ liệu và ghi nhật ký thao tác người dùng, đảm bảo an toàn, minh bạch. Bộ đã triển khai tập huấn sử dụng phần mềm tới tất cả các địa phương, đáp ứng việc tổ chức đồng thời hai chương trình học.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương rà soát kỹ lưỡng các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và có đông thí sinh. Đồng thời, các phương án phòng ngừa thiên tai, dịch bệnh, sự cố kỹ thuật… đều đã được xây dựng, bảo đảm tính chủ động.
Bộ cũng cử các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương trong quá trình chuẩn bị thi. Tất cả cán bộ làm thi, từ coi thi đến thanh tra, đều được tập huấn bài bản, thống nhất về quy trình và xử lý tình huống.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh quan điểm, tổ chức kỳ thi với tinh thần “an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, đúng quy chế”, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức và xử lý sau kỳ thi.
Bộ cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể hoàn thiện việc tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra, giám sát thi tại các địa phương; Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, nhất là những nơi còn khó khăn về nhân lực, thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi; Theo dõi sát tình hình thực tế tại các địa phương để kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh, đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, an toàn và hiệu quả;
Phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông để thực hiện tốt công tác bảo mật, phòng chống gian lận, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường thi; Chuẩn bị kỹ lưỡng khâu chấm thi, đặc biệt là chấm thi trắc nghiệm bằng phần mềm đảm bảo nghiêm túc, chính xác, khách quan.
Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 diễn ra ngày 18/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong thời điểm lịch sử khi cả nước sắp xếp lại địa giới hành chính các địa phương, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kết thúc hoạt động của cấp huyện, yêu cầu phải tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chu đáo, thông suốt, gọn nhẹ, công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm chất lượng cao nhất.
Thủ tướng khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một “ngưỡng cửa” quan trọng; không chỉ đánh dấu “sự trưởng thành” của các cháu, mà còn là bước “chuyển tiếp” mang tính định hướng, định hình con đường tương lai của mỗi học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có hai ngày thi chính là 26-27/6. Thí sinh làm thủ tục dự thi vào chiều ngày 25/6. Riêng ngày 28/6 dành cho thi dự phòng.
Thí sinh thi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chỉ thi 3 buổi với 4 môn thi, gồm toán văn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn: vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ – định hướng công nghiệp và công nghệ – định hướng nông nghiệp. Thí sinh sẽ hoàn thành kỳ thi vào sáng ngày 27/6.
Tuy nhiên, thí sinh thi chương trình giáo dục phổ thông 2006 phải thi 4 buổi với 6 môn thi gồm: toán, văn, ngoại ngữ, bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hoá học, sinh học) hoặc bài thi khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Thí sinh sẽ hoàn thành kỳ thi vào chiều ngày 27/6.
Minh Anh