Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên năm 2022 với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên” là cơ hội để thanh niên chia sẻ nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan Nhà nước về công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 28/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên năm 2022 với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.
“Với góc nhìn của tôi, đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy thị trường lao động nước ta và cần thiết phải cơ cấu lại thị trường nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của sự phát triển chung của các ngành nghề trong cả nước”, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết.
Thanh niên nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung đã được đào tạo nghề bài bản, nhưng còn đang thiếu kỹ năng mềm. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, người lao động Việt Nam không những cần có tay nghề cao được đào tạo bài bản, mà còn cần có cả kỹ năng mềm trong ứng xử, ý thức tổ chức, kỷ luật để theo kịp được các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng rất nặng nề đến thị trường lao động nước ta, gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng lao động, đặc biệt với những người có trình độ kỹ năng thấp. Trong đó, lực lượng lao động thanh niên bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Để triển khai các gói hỗ trợ trước hết cần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng thích nghi với sự thay đổi bất thường trong giai đoạn sắp tới; tích cực đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề cho thanh niên, nâng cao kỹ năng nghề cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên khu vực nông thôn, thanh niên rời khỏi dây chuyền sản xuất đi về quê, cũng như thanh niên đang còn làm việc trong các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, diễn đàn sẽ được tổ chức vào sáng 30/3 tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội).
Theo ông Tạ Văn Hạ, diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh dịch bệnh và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề.
Đây cũng là cơ hội để thanh niên chia sẻ nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan Nhà nước về công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Diễn đàn sẽ là cơ sở cung cấp nhiều thông tin quý báu cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ các chính sách về đào tạo nghề cho thanh niên phù hợp với thực tiễn.
Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội; các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tỉnh, thành đoàn; đại biểu Quốc hội trẻ; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề, tổ chức quốc tế, cán bộ Đoàn, Hội và đoàn viên, thanh niên đại diện thanh niên cả nước. Đến nay, diễn đàn đã nhận được trên 80 tham luận.
Tại diễn đàn, các đại biểu sẽ trao đổi một số vấn đề trọng tâm xoay quanh chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên” như: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các khối đối tượng gồm thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách, khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng các vấn đề khác có liên quan.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm kỳ vọng, với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, diễn đàn sẽ góp phần đưa chính sách vào đời sống thanh niên thiết thực nhất. Thanh niên sẽ chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19 và yêu cầu phát triển của đất nước.
Nhật Nam