Bộ Công Thương cũng đánh giá dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam.

2 tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu có được sự tăng trưởng khá.

Việt Nam xuất siêu gần 2 tỷ USD

Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 20,8 tỷ USD, qua đó đưa kim ngạch trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 39 tỷ USD, tăng 8,4% (tương đương hơn 3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng… với tốc độ tăng trưởng 2 con số. Trong đó, điện thoại và linh kiện tăng hơn 900 triệu USD (tương đương 12,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng hơn 1,6 tỷ USD (tương đương 27,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng hơn 630 triệu USD (tương đương 25,3%).

Như vậy, riêng 3 nhóm hàng nêu trên đóng góp kim ngạch tăng thêm khoảng 3 tỷ USD, tương đương mức tăng thêm của xuất khẩu cả nước trong 2 tháng đầu năm.

2 tháng đầu năm cả nước nhập khẩu lượng hàng hóa đạt kim ngạch gần 37,3 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2019.

Đáng chú ý, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 14.523 chiếc, kim ngạch 333,34 triệu USD giảm 43,3% về sản lượng và giảm 41,8% kim ngạch so với 2 tháng đầu năm ngoái.

Tính đến hết tháng 2, Việt Nam xuất siêu gần 2 tỷ USD.

Còn nhiều rủi ro

Theo Bộ Công Thương, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết và sớm có hiệu lực. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam – EVFTA, và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD. EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng đánh giá dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam.

Trước tình hình này, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc. Nếu dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như: may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong tháng 2/2020 bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại.

Đồng thời, đẩy nhanh nghiên cứu đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19…