Ngoài nỗi lo về các ca bệnh có thể tiếp tục bùng phát tới đây, thì sức khoẻ của các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 tại Việt Nam hiện như thế nào cũng là mối quan tâm của dư luận.

Thông tin với báo chí sáng 12/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, chiều 11/3, các chuyên gia y tế cả nước đã họp trực tuyến với những điểm cầu bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2,  Đà Nẵng, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP HCM, hội chẩn 23 bệnh nhân.

Theo kết quả hội chuẩn, tình trạng sức khoẻ của các bệnh nhân đều ổn định. Hiện, chưa có bệnh nhân phải thở máy hay phải hỗ trợ các biện pháp xâm lấn. Có bệnh nhân phải thở oxy, có bệnh nhân biểu hiện viêm phổi nhưng các bác sĩ đã kiểm soát được.

“Hầu hết bệnh nhân trong tình trạng diễn tiến tốt”, Thứ trưởng Sơn khẳng định.

Ông Sơn tin cho biết, với những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của ngành y tế, chúng ta gần như kiểm soát được tương đối chặt chẽ tất cả trường hợp nghi ngờ và đã có những biện pháp cách ly từ người bị nhiễm đến các đối tượng tiếp xúc gần.

Tính đến sáng11/3, tại Việt Nam, ghi nhận 39 trường hợp mắc, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện; 23 trường hợp tiếp tục điều trị trong bệnh viện. Tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ 2.798.

Ngoài số ca nhiễm nCoV, Việt Nam đang theo dõi chặt 119 ca nghi nhiễm. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 24.938, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 550 ca; Cách ly tập trung tại cơ sở khác 9.996; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14.392. Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 4.471 (số mẫu dương tính: 38, số mẫu âm tính: 4.433).

Công tác phun khử trùng được thực hiện tại các nơi nghi, nhiễm COVID-19. Ảnh: Quốc Tuấn

Đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa tìm thấy vaccine hoặc loại thuốc đặc trị virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh COVID-19 thật sự hiệu quả dù các Chính phủ, nhà khoa học và công ty dược phẩm trên khắp thế giới đều đang rất nỗ lực.

Tại Việt Nam, các thuốc điều trị hỗ trợ, kháng sinh, thuốc nâng đỡ… để trị COVID-19 đã được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ đến các bệnh viện theo chương trình chống dịch.

Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm chữa khỏi COVID-19 cho 16 bệnh nhân trong giai đoạn trước đó, nên trong giai đoạn 2 này, các y bác sĩ rất bình tĩnh trong việc chữa trị.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, ngành Y tế đã làm chủ được tình hình, kiểm soát được tình hình và công tác chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang có những tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra đối với những người đang cách ly do nhiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần COVID-19 cũng được làm rất chặt.

Bệnh nhân số 17 N.H.N đã hết sốt 3 ngày, sức khoẻ ổn định.

Liên quan đến tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân số 17 N.H.N mấy ngày nay có thông tin sức khoẻ của bệnh nhân này đang yếu đi gây hoang mang dư luận, ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Khám chữa bệnh khẳng định: “Bệnh nhân số 17 N.H.N đã hết sốt 3 ngày, sức khỏe ổn định, tinh thần đã cải thiện nhiều. Riêng với ca bệnh này, tiểu ban đã quán triệt các bác sĩ trong bệnh viện khuyến cáo bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc điện thoại, mạng xã hội để tránh tiếp cận những thông tin không tốt, ảnh hưởng quá trình và hiệu quả điều trị”.

Ông Khuê cho biết, để thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã gửi các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur về việc thành lập các đội đáp ứng nhanh sẵn sàng đáp ứng dịch bệnh Covid-19; Cập nhật, bổ sung Hướng dẫn cách ly tại cơ sở cách ly tập trung, hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú, hướng dẫn giám sát tạm thời bệnh Covid-19.

Đồng thời, chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các địa phương điều tra dịch tễ các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, xác minh người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính, khoanh vùng xử lý ổ dịch và cách ly theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc; Tiếp tục triển khai khai báo y tế điện tử với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ y tế đã kết nối các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, thực hiện trao đổi thông tin, cập nhật các phác đồ điều trị mới, cũng như hội chẩn các trường hợp khó.

Liên quan đến yếu tố lây nhiễm mà rất đông người dân đang quan tâm, bà Lê Quỳnh Mai – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, virus SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm khi bảo đảm 2 yếu tố. Thứ nhất, khả năng lây nhiễm chỉ xuất hiện khi nồng độ virus ở trong người bệnh lớn. Thứ hai là những người sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nền thì dễ lây nhiễm hơn.

Với người khoẻ mạnh có khả năng chống đỡ nên có tiếp xúc cũng chưa chắc đã mắc bệnh. Hiện ở Hà Nội, chúng ta cách ly chặt chẽ người bệnh và những người tiếp xúc nên đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm”. – bà Mai nói.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trên tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã dự liệu tình huống xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm từ nước ngoài về và lên các giải pháp ứng phó.

“Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành, lập danh sách những người tiếp xúc để tổ chức cách ly ngăn chặn dịch bệnh theo quy định. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ để thực hiện giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng những trường hợp nghi ngờ, chuẩn bị các cơ sở vật chất để điều trị, tránh trường hợp tử vong vì bệnh dịch…” – GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.