Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ trong buổi làm việc với Thống đốc NHNN Việt Nam đã ghi nhận và chúc mừng các thành tựu kinh tế vĩ mô và hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua.
Đây là một thông tin rất đáng chú ý, ghi nhận những thành tựu thực sự, đặc biệt trong nỗ lực linh hoạt chính sách tiền tệ đạt hiệu quả đảm bảo ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam.
Đáng chú ý tại buổi làm việc của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet L. Yellen tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 20/7/2023, Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cùng chia sẻ về việc “hai bên có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng vững mạnh, bao trùm và bền vững thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả và duy trì ổn định tài chính”. Hai bên vui mừng nhận thấy NHNN và Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) đã duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên một cách hiệu quả; qua đó, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, theo thông tin từ NHNN.
Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen ghi nhận và chúc mừng các thành tựu kinh tế vĩ mô và hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua. Người đứng đầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của NHNN trong việc hiện đại hóa và tăng cường tính minh bạch của khung khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam nhằm thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Bà tin rằng các giải pháp NHNN đã thực hiện trong thời gian qua rất quan trọng giúp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trước các diễn biến của thị trường tài chính thế giới và các cú sốc từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, hai bên đã trao đổi về các vấn đề phát sinh gần đây trong lĩnh vực ngân hàng tại Hoa Kỳ và toàn cầu. Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ chia sẻ quan điểm chung về vai trò của thông tin tín dụng, bảo hiểm tiền gửi và đặc biệt là công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc xử lý từ sớm, từ xa các vấn đề phát sinh của các ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.
Đây không phải lần đầu Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Yellen có buổi làm việc, đối thoại trực tiếp cùng nhau, thảo luận các vấn đề kinh tế vĩ mô, các vấn đề của lĩnh vực ngân hàng, chính sách tiền tệ, ngoại hối và đặt cam kết duy trì hợp tác chặt chẽ giữa NHNN và Bộ Tài chính Hoa Kỳ trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau; cũng như không phải lần đầu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen ghi nhận và đánh giá cao các chính sách của Việt Nam.
Trước đó, tháng 5/2022, bên lề Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ diễn ra tại Washington D.C., Hoa Kỳ, trong buổi tiếp và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ và Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Yellen đã bày tỏ mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Bà cũng đánh giá cao quan điểm điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN; trong đó, xác định mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hay như vào tháng 7/2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen và Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng họp mặt trực tuyến, hai bên đạt được thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ. Khi đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá cao sự phối hợp làm việc mang tính xây dựng của hai bên, cùng cam kết sẽ duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiện chí nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức chung như hỗ trợ phục hồi mạnh mẽ và toàn diện sau đại dịch COVID-19…
Có thể thấy các cam kết, đánh giá cao, quan hệ hợp tác thiện chí của hai bên không chỉ là những thỏa thuận hay ghi nhận “ngoại giao”. Thực tế và tin đáng mừng là đi cùng những đánh giá thực chất đã ngày càng góp phần sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa hai bên; song song đó, có sự công nhận tạo thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam trong thực thi các cam kết và điều hành tỷ giá hiệu quả.
Điều đó thể hiện cụ thể ngay sau chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Mỹ đến Việt Nam ngày 3/10/2022, Bộ này đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tại Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” tháng 11/2022, đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. Như vậy, sau các cuộc tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá, đến cuối 2022, Việt Nam đã ngoài danh sách các nước giám sát. Tại kỳ báo cáo tháng 6/2023 vừa qua, Việt Nam tiếp tục nằm ngoài danh sách này.
Việc Việt Nam tiếp tục nằm ngoài danh sách các nước giám sát, không thao túng tiền tệ, khẳng định công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là điều hết quan trọng để các công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN những tháng còn lại của năm 2023, sẽ bớt đi áp lực sẽ phải “nhìn trước ngó sau”, không vi phạm can thiệp một chiều, kéo dài. Đó cũng là khoảng dư địa rộng để khi tỷ giá không bị dồn nén áp lực, cơ sở cho nỗ lực nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất sẽ càng được củng cố.
Trong năm 2023, khi hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do các thị trường nhập khẩu lớn giảm nhu cầu, mặc dù Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, nhưng nếu mức độ phục hồi của các thị trường không cao, có thể tiêu chí thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ sẽ không quá vượt ngưỡng (mặc dù thực tế 2022 chúng ta vẫn vi phạm tiêu chí này). Đây cũng một yếu tố “thuận lợi” cho nhà điều hành tiền tệ, tỷ giá. Vấn đề lớn nhất phải hóa giải vẫn là phải làm sao để hỗ trợ kích cầu, nâng đỡ các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu – chủ lực của nền kinh tế, trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Hiện, chỉ số PMI tháng 6/2023 tăng nhẹ lên 46,2 điểm, cao hơn 0,9 điểm so với tháng trước nhưng đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm, đang cho thấy những khó khăn trong sản xuất vẫn tiếp tục tồn đọng. Bên cạnh đó, dự báo các tháng cuối năm, sẽ hiện hữu một số tiền đề có thể tăng thêm áp lực lên tỷ giá VND/USD.
Những ghi nhận, việc duy trì đối thoại thường xuyên ở các cấp về các vấn đề chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính tiền tệ, tăng cường hơn nữa hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới lợi ích chung của hai bên; đặc biệt, thúc đẩy hợp tác hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực về thanh tra, giám sát ngân hàng và ổn định tài chính… theo thỏa thuận của NHNN và Bộ Tài chính Mỹ Hoa Kỳ, vì vậy, tin rằng là vô cùng quan trọng, và có ý nghĩa hỗ trợ không chỉ cho việc giải quyết những vấn đề, vướng mắc (nếu có) về tỷ giá, trong ngắn hạn.
Chuyên gia Nguyễn Lê Ngọc Hoàn