Room tín dụng được nới 1,5-2% tức khoảng 240 nghìn tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp đầu tư nhà ở và người mua nhà dễ tiếp cận các gói vay.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ngày 14/12, tại công điện công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở, một lần nữa vấn đề cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế cũng được chỉ đạo quyết liệt.
Tại công điện trên, Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại và các chủ thể liên quan cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.
Ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Theo ghi nhận của phóng viên, trước đó nhiều ngân hàng cũng công bố hạ lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay. Đơn cử như SaigonBank giảm lãi suất tiết kiệm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm, BaovietBank cũng giảm xuống còn 9,4%/năm.
Ngân hàng SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5% đến 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, hay TPBank cũng công bố thông tin triển khai gói tín dụng 5000 tỷ đồng với lãi suất đặc biệt ưu đãi, trong đó dành tới 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu, thủ tục vay vốn rất chặt chẽ. “Dĩ nhiên khả năng chi trả của người vay là yếu tố ngân hàng phải xem xét kỹ để bảo vệ mình. Nhưng đúng là cả doanh nghiệp và người mua nhà đều không dễ vay được vốn”.
“Khi các ngân hàng được cấp thêm 1,5-2% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 240 nghìn tỷ đồng, số lượng người được vay chắc chắn sẽ tăng lên, nhưng không vì thế mà thủ tục vay được nới lỏng hay dễ dàng hơn” – ông Hiệp cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng nên các ngân hàng thương mại “không dám” cho vay đối với một số trường hợp.
Trao đổi tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023” mới đây, TS Trần Kim Chung – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền “đúng và trúng” đối tượng. Theo ông Chung, quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.
Song, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung (người làm) sẽ chuyển sang phía cầu (người mua) với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện. Trước đây, đã thực hiện các gói hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi đã góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Đồng quan điểm, theo GS.TS. Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cần mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt.
“Mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để cơ cấu lại nợ một cách phù hợp; tiếp tục cho vay phục vụ sản xuất” – ông Chương kiến nghị.
Diệu Hoa