Tín dụng bất ngờ bứt tốc rất mạnh trong những ngày cuối năm 2019, giúp tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ước đạt 13,5- 13,7%.
Tín dụng bứt phá ngoạn mục
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào cuối năm 2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng ước đến cuối năm 2019 đạt khoảng 13,5- 13,7% và cơ cấu tín dụng chuyển dịch tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ…
Đó quả là một mức tăng “thần tốc” khi mà chỉ cách đây ít hôm, Tổng cục Thống cho biết, tính đến ngày 20/12, tín dụng mới tăng có 12,1%. Trước đó số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 9, tín dụng mới tăng khoảng 9,4%, tức bình quân mỗi tháng tăng khoảng 1,05%.
Chiểu theo các số liệu trên, có thể thấy tín dụng đã tăng thêm khoảng 1,4- 1,6 điểm phần trăm chỉ trong vòng khoảng 10 ngày, cao hơn khá nhiều so với mức tăng bình quân hàng tháng của quãng thời gian trước đó.
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, số liệu về tăng trưởng tín dụng có thể thay đổi hàng ngày. Đặc biệt, tín dụng thường có xu hướng tăng nhanh trong thời gian cuối năm do các doanh nghiệp cũng tăng tốc để hoàn thành kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm. Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng mạnh tay vay vốn nhập khẩu hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
“Hơn nữa, kỳ hạn cho vay bình quân của các ngân hàng đang có xu hướng ngắn lại do NHNN đang giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống còn 30%. Điều đó cũng khiến cho mức độ biến động dư nợ cho vay càng mạnh hơn”, vị chuyên gia ngân hàng trên nói thêm.
Tuy nhiên, mức tăng tín dụng của chục ngày cuối của năm nay xem ra là rất nhanh. Đơn cử như năm 2018, tính đến ngày 20/12/2018, tín dụng tăng 13,3% (số liệu của Tổng cục Thống kê) và cả năm tăng 13,89% (số liệu của NHNN), tức chỉ tăng thêm 0,59 điểm phần trăm trong 11 ngày cuối năm. Năm 2017 cũng vậy, đến ngày 20/12/2017, tín dụng tăng 16,96% (số liệu của Tổng cục Thống kê) và cả năm tăng 18,17%, có nghĩa tăng thêm 1,21 điểm phần trăm.
Coi chừng tăng ảo
Sự bứt phá “thần tốc” này của tín dụng không khỏi khiến các chuyên gia lo lắng về tình trạng tín dụng tăng ảo như đã từng diễn ra nhiều năm trước đây khi mà tín dụng thường tăng một cách đột biến trong tháng cuối năm, thậm chí là chỉ chục ngày cuối năm, để rồi lại tăng trưởng âm trong quý đầu năm sau.
Chẳng hạn như năm 2013, theo số liệu của NHNN Việt Nam mãi đến tháng 10 năm đó, tín dụng mới tăng 7,15%, thế nhưng đến cuối năm, tín dụng đã tăng tới 12,51%, có nghĩa tín dụng đã tăng thêm tới 5,36 điểm phần trăm chỉ trong 2 tháng cuối năm. Sẽ không có gì đáng nói nếu tín dụng không tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm 2014.
Theo vị chuyên gia ngân hàng nói trên, không loại trừ việc một số nhà băng ngụy tạo số liệu tăng trưởng tín dụng cao để có thêm dư địa tín dụng trong năm 2020. Bởi nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục khống chế tăng trưởng tín dụng khoảng 13-14% trong năm 2020 và sẽ phân bổ hạn mức tín dụng theo hướng ưu tiên tăng hạn mức cho những ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II và những ngân hàng có nền tảng tài chính tốt.
“Rõ ràng việc có được một con số dư nợ tín dụng cao của năm 2019 sẽ giúp cho các ngân hàng có thêm dư địa tín dụng tốt hơn trong năm 2020. Bởi với hạn mức tín dụng được giao, giả sử là 14%, ngân hàng nào có dư nợ tín dụng của năm trước lớn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng đó được cho vay nhiều hơn trong năm kế tiếp”, vị chuyên gia trên cho biết.
Tuy nhiên, còn một sự tăng ảo tín dụng nữa rất đáng quan ngại mà TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã từng cảnh báo trước đây, đó là việc các nhà băng cộng gộp nợ lãi vào tín dụng. Chẳng hạn một doanh nghiệp vay ngân hàng 100 tỷ đồng, tiền lãi 10 tỷ đồng, đến hạn không trả được nợ gốc và lãi, ngân hàng gộp lại cả dư nợ và lãi thành khoản vay mới 110 tỷ đồng, tức dư nợ “tăng trưởng” thêm 10%. Đó cũng là một con số tăng trưởng ảo, song nó còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với nguyên nhân trên.
Để có thể kết luận có hay không tình trạng tín dụng tăng ảo như các chuyên gia đã cảnh báo ở trên, có lẽ phải đợi đến khi các nhà băng công bố báo cáo tài chính cũng như “soi” diễn biến tín dụng những tháng đầu năm 2020. Nhưng có lẽ những cảnh báo trên là không thừa khi tình trạng tăng trưởng tín dụng ảo đã từng xảy ra trên thực tế.