nongsanEU

Vải thiều Việt Nam xuất khẩu bày bán trên kệ hàng ở Pháp.

Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh bởi các doanh nghiệp Việt sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu. Việc phân phối quả vải tươi không chỉ trong hệ thống cửa hàng/siêu thị châu Á mà đã chính thức thâm nhập vào các  chuỗi siêu thị thực phẩm tại châu Âu.

Hiện thị trường nhập khẩu nông sản EU bắt đầu khởi sắc do tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, Chính phủ các nước thành viên EU thúc đẩy mở rộng việc tiêm vaccine, áp dụng quy định giấy thông hành vaccine, nới lỏng quy định đi lại, mở cửa một phần dịch vụ ăn uống, du lịch do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng so với giai đoạn trước. Theo đó, đây cũng là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này.

Kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt những kết quả ấn tượng. Hiện, EU đứng thứ 3 (chiếm 10,1% thị phần, sau khu vực châu Á (46,5% thị phần) và châu Mỹ (27,0% thị phần).

Nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường và luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này không phải dễ vì yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe; những tiêu chuẩn, đòi hỏi của EU cũng ngày càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng cao hơn các thị trường khác.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Trần Ngọc Quân cho rằng, nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU, do đó doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều biện pháp bảo hộ khi xuất khẩu sang khối này. Cùng với đó, các nước EU có quy định rất cao và chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản.

nongsanxk

Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc…

Còn theo chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) Nguyễn Ngọc Sơn, việc doanh nghiệp trong nước không tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc là khá phổ biến. Đã có trường hợp, năm nay doanh nghiệp tuân thủ các quy định, đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng sang năm không tuân thủ nữa và bị dừng hợp đồng xuất khẩu. Như vậy, ý thức tự giác tuân thủ quy định của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế cũng chính là rào cản cho mở rộng thị phần của nông sản Việt tại EU.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, để hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, trong nước, các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất theo hướng chứng nhận Global GAP, có biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký tham gia sản xuất theo hướng chứng nhận, phí chứng nhận vùng trồng;…

Được biết, để giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ sẽ thúc đẩy và kết nối Công ty LTP tại Hà Lan với Công ty 3 cây tre Tiền Giang triển khai nhập khẩu khoảng 300-500 container dừa và sản phẩm dừa từ Việt Nam sang Hà Lan để phân phối sang thị trường EU.

Kết nối Tập đoàn Vinamit với Công ty MCE tại Hà Lan, hai bên đã thống nhất ký đối tác hợp tác nhập khẩu các sản phẩm mít, trái cây, rau củ chế biến sang EU. Hiện Vinammit đã hoàn thiện việc gửi mẫu sang Hà Lan, đồng thời, công ty MCE đã tiến hành việc làm với các cơ quan chức năng tại Hà Lan để hoàn thành việc kiểm tra các chỉ tiêu và gửi tới các siêu thị để chào hàng.

Thương vụ đang tiếp tục đôn đốc Công ty MCE làm việc với các doanh nghiệp tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang thực hiện các hợp đồng chuyển tiếp các container thanh long và chanh leo sang thị trường Hà Lan để phân phối tại hệ thống siêu thị; Xúc tiến trao đổi với Công ty Natural tại Bỉ nhập khẩu các loại nông sản sản hữu cơ để phân phối cho mạng lưới 600 cửa hàng chuyên kinh doanh hữu cơ tại Bỉ, Luxembourg và các vùng phía Bắc của Pháp.

Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững.

Linh Nga