vegan-plant-based-news-starbucks-tik-tok-enternews-1622639676

 

Bianca Ruiz, nữ nhân viên pha chế (barista) của Starbucks ở Granada Hills (Los Angeles) “đứng hình” mất một lúc khi cô khách hàng hàng 12 tuổi gọi một cốc “cam chanh dây mặt trời mọc”.

Trong hơn 1 năm làm việc tại Starbucks, đây là lần đầu tiên cô nghe tên đồ uống này. Ruiz nói với cô gái nhỏ, rằng món này không có trên thực đơn của cửa hàng. Vị khách nhí liền trả lời: “Cháu thấy các bạn cháu, rất nhiều người khoe món này trên… TikTok”.

Vậy là đang có “trend” khoe các món Starbucks kỳ quái trên TikTok. Với xu hướng này, những người dùng TikTok sẽ liệt kê ra các thành phần nguyên liệu mà người khác nên gọi, và khoe xem ai có đồ uống “đặc biệt” hơn. Từ đó, các món như “cam chanh dây mặt trời mọc” hoặc “Twix” ra đời và gây sốt. Và hiển nhiên chẳng có món nào có sẵn trên menu của Starbucks cả.

Nguyên do lại bắt nguồn từ việc Starbucks đẩy mạnh… chuyển đổi số. Họ dựng lên ứng dụng cho phép mọi người gọi đồ qua điện thoại di động. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, trên 1/4 số đơn hàng của Starbucks là được đặt hàng bằng điện thoại di động, tăng trưởng 18% so với năm trước.

maxresdefault-enternews-1622639716

 

Một điều thú vị là ứng dụng này cho phép khách hàng tự chọn nguyên liệu cho món đồ của mình. Không biết có phải do các nhà lập trình của Starbuck sơ suất hay không mà ứng dụng này cho khách hàng tha hồ chọn đủ thứ nguyên liệu để kết hợp với nhau, chẳng có một giới hạn cho một công thức nào cả. Và thế là trào lưu đồ uống “liên hợp quốc” kiểu “cam chanh dây mặt trời mọc” ra đời trên TikTok.

Mặc dù pha chế các món đồ uống lấy cảm hứng từ TikTok rất mất thời gian và năng lượng, chưa kể việc tốn kém nguyên liệu, nhưng Ruiz cũng không ngần ngại thực hiện khi khách yêu cầu. Miễn sao khách chấp nhận đợi. Thậm chí Ruiz còn đăng TikTok những video cô thực hiện các món đồ uống gây sốt này. Với cô, đây là một thử thách khá vui trong công việc.

Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được như Ruiz. Michael Banks đã nghỉ việc ở Starbucks Chicago 2 tuần trước khi ngày càng có nhiều khách hàng gọi những món kỳ quái ngoài thực đơn.

Theo Banks, mỗi ngày có hàng chục khách đến cửa hàng với danh sách dài dằng dặc các nguyên liệu (từ TikTok) và yêu cầu pha chế. Những món đồ uống này không chỉ phức tạp, tốn thời gian mà hơn một nửa khách hàng lại không hài lòng về thành phẩm.

capture-enternews-1622639769

 

Banks chia sẻ: “Quá nhiều thứ phải nói. Cứ mỗi một phút, một khách hàng lại order một món với 10 loại nguyên liệu mà chúng tôi chưa từng kết hợp bao giờ. Khi làm barista, việc pha chế mỗi món đồ uống cần quy trình riêng. Xu hướng mới này đảo lộn tất cả mọi thứ.”

Ngoài ra, Banks cho biết các món đồ uống từ TikTok thường không theo quy tắc pha chế hoặc kết hợp gì cả. Hay như trong thời gian WandaVision chiếu trên Disney Plus, hàng trăm khách hàng đã order đồ uống lấy cảm hứng từ series này (và dĩ nhiên cũng bắt nguồn từ TikTok).

Sự kiện giọt nước làm tràn ly là khi 10 khách hàng xếp hàng gọi một món theo công thức trên TikTok, và người cuối cùng phàn nàn về món đồ uống này. Banks ngán ngẩm: “Khách hàng yêu cầu tôi làm, khi làm xong và họ thấy không như ý, họ yêu cầu làm lại, sau khi tôi đã dùng rất nhiều nguyên liệu để làm một món không có trong thực đơn. Tôi không còn đủ kiên nhẫn với những loại đồ uống này rồi.”

Chính bản thân Ruiz, người chấp nhận làm đồ uống ngoài menu cho khách, cũng thừa nhận việc barista cực kỳ áp lực và chán nản, đặt biệt khi khách hàng cư xử thô lỗ hoặc không kiên nhẫn chờ đồ uống.

Khách hàng luôn bắt các barista phải cập nhật các món đồ uống mới nhất. Nhưng theo Ruiz, đây không phải là vấn đề. Với cô, làm đồ uống ngoài thực đơn là điều bình thường. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ ổn thỏa hơn nếu khách hàng thân thiện và chấp nhận chờ đợi.

Còn Starbucks thì sao? Có lẽ họ càng mừng. Dù các barista hơi vất vả một chút, nhưng trào lưu “cam chanh dây mặt trời mọc” càng lên cao, Starbucks càng bán được nhiều hàng, càng được nhắc nhiều trên mạng xã hội. Thành thử, các barista, chịu khó chút nhé!