Chuyển tới nội dung

Tiêu thụ xi măng, sắt thép, bê tông, gốm sứ, kính xây dựng giảm mạnh

Hiện tiêu thụ xi măng, sắt thép, bê tông, gốm sứ, kính xây dựng giảm thảm hại, tồn kho cao do thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư công chưa đẩy mạnh.

Tiêu thụ xi măng 6 tháng mới đạt 43 triệu tấn, giảm 10%

Tại cuộc họp báo gần đây, Bộ Xây dựng cho biết, ước tính sản lượng sản xuất và tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu 6 tháng năm 2023 giảm mạnh, trong đó xi măng giảm 10% so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng giảm mạnh do thị trường bất động sản vẫn đóng băng.

Cụ thể, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%, tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022). Giá trị xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD.

Sản lượng sản xuất gạch ốp lát dự kiến đạt khoảng 191 triệu m2, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tiêu thụ khoảng 193 triệu m2 giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022).

Ngành thép cũng sụt giảm mạnh với sản xuất thép thô giảm 22% so với cùng kỳ, tiêu thụ giảm 18%; xuất khẩu giảm 78%; sản xuất thép xây dựng cũng giảm 26,4%; tiêu thụ giảm 26%, xuất khẩu giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản xuất thép xây dựng cũng giảm 26,4% mặc dù thép trong nước đã có 10 phiên giảm giá liên tiếp từ 8/4 đến nay.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ ngày 8/4 đến nay, các đơn vị sản xuất thép trong nước đã có 10 phiên liên tiếp giảm giá bán thép xây dựng, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu. Nguyên nhân là thị trường bất động sản chưa phục hồi cùng với các dự án đầu tư công vẫn chưa khởi động.

Với ngành kính xây dựng, năm 2020-2021, có khoảng 80% các đơn vị gia công, lắp đặt kính tạm dừng sản xuất, kinh doanh; doanh thu toàn ngành giảm 50-70% so với cùng kỳ các năm trước. Từ tháng 4/2022, thị trường bất động sản suy giảm nghiêm trọng khiến nhu cầu các sản phẩm kính xây dựng sụt giảm tới mức rất thấp.

Còn theo Chủ tịch Hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam – ông Đinh Quang Huy, sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp gốm sứ hiện chỉ duy trì 50 – 60% so với công suất thiết kế, song vẫn tồn kho 18 – 20% sản phẩm không tiêu thụ được.

Ông Huy nhận định, thị trường gốm sứ xây dựng trong nước bị tê liệt, suốt từ năm 2021 và đặc biệt trong các tháng đầu năm 2023. Từ năm 2021 đến nay sản xuất và kinh doanh đã sụt giảm 30 – 35%, đặc biệt là năm 2022 và quý I/2023 hầu như đóng băng, tê liệt cả trong sản xuất và lưu thông.

“Dù sản lượng sản xuất chỉ đạt khoảng 50 – 60% nhưng tồn kho nội địa tới 18 – 20% sản phẩm không tiêu thụ được, các doanh nghiệp liên tục phải giảm sản xuất”, ông Huy nói. Ông Huy cũng cho rằng, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế nên thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ. Nếu điều này không được tháo gỡ, nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp gốm sứ xây dựng là hiện hữu.

Kỳ vọng vào khơi thông đầu tư công và thị trường bất động sản

Để “cứu” các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong tình trạng hiện nay, các hội, hiệp hội về vật liệu xây dựng kiến nghị Nhà nước có các chính sách, hỗ trợ để giải tỏa các vướng mắc về mặt pháp lý triển khai dự án, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công, có biện pháp khơi thông việc huy động vốn (trái phiếu doanh nghiệp)…

Các hiệp hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95 – 100% của kế hoạch năm 2023. Chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ để dân được vay vốn kịp thời.

Mục đích để doanh nghiệp có dòng vốn hoạt động, trong điều kiện dù giá bán sản phẩm có thể thấp nhưng doanh nghiệp vẫn bảo toàn được vốn đủ điều kiện tiếp tục vay. Giảm thuế đất hết năm 2023, và cho nợ thuế đất hết năm 2024.

Đề xuất giãn, giảm các loại thuế liên quan đến doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để người lao động có thể mua được nhà ở xã hội, qua đó phát triển thị trường nhà ở xã hội theo định hướng lâu dài và bền vững.

Ngành xi măng đề xuất giảm/tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker (áp dụng mức 5%). Ông Lương Đức Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị, phải đẩy nhanh xây dựng nhà ở, nhà công nghiệp, đô thị, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông..

Tiếp tục thúc đẩy việc giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công mạnh mẽ để tạo động lực và nguồn việc phát triển cho ngành xây dựng và thị trường vật liệu xây dựng.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế VAT cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%. Bên cạnh đó, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất.

Nguyễn Duyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved