Trước đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT của Chính phủ, theo chuyên gia, điều này sẽ giúp giảm áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%). Tuy nhiên, so bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015 – 2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm, thì mức tăng 8,2% trong quý I là mức tăng trưởng rất thấp.
Đáng nói, các dự báo tình hình thế giới và khu vực gần đây cũng cho thấy, nền kinh tế vẫn phải đối diện với nhiều bất ổn, diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu nên tiếp tục ảnh hưởng xấu đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam…
Trước thực tế đã nêu, để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Thời gian áp dụng từ 01/7 đến hết 31/12, kéo dài 6 tháng so với quyết định cuối năm ngoái của Quốc hội.
Tại Tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đánh giá việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực. Trong đó, việc giảm thuế VAT đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất – kinh doanh, nâng cao đời sống; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ cho rằng thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu… Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, áp dụng đến hết ngày 31/12/2024, là một trong những giải pháp quan trọng để trợ lực cho người dân và doanh nghiệp.
Trước đề xuất của Chính phủ, các chuyên gia cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều mặt hàng là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến người dân, kích cầu tiêu dùng. Điều này có ý nghĩa lớn khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là một trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ông Doanh, số tiền giảm thể hiện trên từng hóa đơn mua hàng sẽ kích thích người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Từ đó, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh, người dân cũng hưởng lợi khi có thêm công ăn việc làm.
“Về phía doanh nghiệp, việc giảm thuế sẽ giúp tiêu thụ của thị trường trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng giảm, từ đó hạ giá thành sản xuất. Từ việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, các doanh nghiệp tăng tính thanh khoản trong kinh doanh, quay vòng vốn để phục vụ hoạt động của mình”, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội nhận định, việc tiếp tục giảm thuế VAT là giải pháp cần thiết bảo đảm sự phục hồi của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đây là giải pháp không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Theo ông Quốc Anh, việc giảm 2% thuế VAT thời gian qua được xem như một mũi tên trúng 3 đích, vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
“Năm 2024, những khó khăn vẫn chưa giảm bớt, không chỉ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà kể cả với doanh nghiệp có quy mô lớn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo động lực cho phát triển và thực hiện an sinh xã hội”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.
Yến Nhung