Trong một thế giới mà mọi người trả tiền chỉ để “thoát khỏi” quảng cáo, marketing bằng nội dung là cách giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng tiềm năng một cách “thân thiện” hơn.
Những người hiểu điều này nhất là những ai đã và đang nói chuyện, và thu hút khách hàng nhờ con chữ: một blogger, một nhà văn, hay một nhà làm marketing.
Qua thời gian, bạn bắt đầu thấy sự tăng trưởng và nhiều người bắt đầu theo dõi bạn. Nhưng đó có phải là tất cả những gì bạn mong đợi? Bạn nhìn vào các nhãn hàng đang “khuấy đảo” thị trường và mong muốn mình cũng như vậy, nhưng bạn lại đang mắc kẹt với lượng người xem trung bình và sự ảnh hưởng không đáng kể.
Nếu đó đúng là những gì bạn đang trải qua, hãy nhớ một điều: marketing và thương hiệu không thể chỉ sống bằng nội dung.
Đây là lúc bạn cần một chiến lược nội dung.
Tiếp thị nội dung & Chiến lược nội dung khác nhau như thế nào?
Tiếp thị nội dung và chiến lược nội dung bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Nhưng hai khái niệm này không giống nhau. Hãy làm rõ những điểm khác biệt sau đây:
Tiếp thị nội dung (Content marketing) là gì?
Tiếp thị nội dung chỉ đơn giản là việc tạo, xuất bản và phân phối nội dung. Nó có thể hoạt động mà không cần trực tiếp bán một sản phẩm hoặc dịch vụ nào.
Hãy xem bài đăng này từ Blog của Tony Robbins:
(tạm dịch: NGHỆ THUẬT CỦA LỜI XIN LỖI SÂU SẮC / KHI XUNG ĐỘT NỔ RA, CÓ MỘT CÁCH ĐỂ CHO ĐI – VÀ NHẬN LẠI – LỜI XIN LỖI)
Như bạn có thể thấy từ tiêu đề, đây là một bài viết nói về việc củng cố các mối quan hệ thông qua việc học cách xin lỗi. Chỉ riêng nội dung cũng đủ để thu hút người xem mà không cần quảng bá bất kỳ dịch vụ nào. Nó chỉ đơn giản là một lời hướng dẫn chu đáo, giàu giá trị cho những người đang đấu tranh với việc nói lời xin lỗi.
Đó là một ví dụ tuyệt vời về tiếp thị nội dung. Vì blog thuộc về trang web của Tony Robbins, nó tạo niềm tin cho độc giả và đưa họ đến gần hơn với việc tìm kiếm Tony Robbins cho các vấn đề liên quan đến công việc hay cuộc sống.
Dưới đây là các tài nguyên khác bạn có thể tìm thấy trên trang web:
(tạm dịch: BLOG CỦA TONY ROBBINS / CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG / PHÂN TÍCH DỰ ÁN / GIẢI PHÁP TĂNG TRƯỞNG / CÂU HỎI THƯỜNG GẶP – HÃY HỎI TONY / PODCAST / TIỆN ÍCH MIỄN PHÍ / VIDEO / TÀI LIỆU NETFLIX)
Nhìn chung, tiếp thị nội dung mang lại tăng trưởng hữu cơ. Nó liên quan đến việc mang lại giá trị cho mọi người để họ nhận ra thương hiệu của bạn là một giải pháp đáng tin cậy cho nhu cầu và mong muốn của họ.
Chiến lược nội dung (Content strategy) là gì?
Ở một khía cạnh khác, chiến lược nội dung là nền tảng để xây dựng tiếp thị nội dung thành công.
Hãy nghĩ về nó như một bản đồ. Nếu tiếp thị nội dung là hành trình hướng tới thành công của thương hiệu, chiến lược nội dung là kế hoạch chi tiết để chỉ đạo hành trình đó.
Vậy, chiến lược nội dung hoạt động như thế nào?
1. Chiến lược nội dung trả lời câu hỏi “Tại sao bạn lại xuất bản nội dung”
Mỗi một nội dung bạn xuất bản nên tập trung giải quyết một mục tiêu. Và chiến lược nội dung giúp bạn xác định chính xác mục tiêu của bạn là gì.
Chẳng hạn, bạn dùng một bài viết để tăng kích thước danh sách email của bạn. Bạn soạn email để có thêm lượt truy cập vào trang web của mình. Bạn viết bài đăng trên blog để thiết lập quyền lực trong ngành công nghiệp của bạn.
Tất cả những phần nội dung này được tạo ra vào đúng thời điểm, được hướng đến đúng đối tượng và sau đó được đo lường để thành công. Đó là cách mà chiến lược nội dung hoạt động.
Với chiến lược phù hợp, bạn sẽ biết cách tạo ra các nội dung phù hợp để giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu về mặt tiếp thị nội dung của mình.
2. Chiến lược nội dung xác định đối tượng tiềm năng cho nội dung của bạn
Một phần của chiến lược nội dung là tìm ra chính xác đối tượng của bạn là ai.
Đâu là điều họ đang quan tâm nhất?
Tại sao họ đọc nội dung của bạn?
Làm thế nào sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể giúpcải thiện cuộc sống của họ?
Hãy tưởng tượng bạn đang viết một lá thư không hướng đến bất kì ai. Cho dù những từ bạn sử dụng có đẹp đến thế nào, thư của bạn sẽ luôn thiếu đi sự sâu sắc và thu hút. Mặt khác, nếu viết cho một người mà bạn biết rõ, bạn sẽ có cách làm cho lời nói và câu văn trở nên sống động. Ngoài ra, bởi vì bạn biết người này là ai, bạn biết họ muốn gì và cần nghe gì.
Dưới đây là một vài mẹo để nói chuyện với khách hàng thông qua chiến lược nội dung:
Thu thập thông tin về khán giả của bạn và tạo các nhân vật hư cấu mà bạn có thể nói chuyện cùng mỗi khi bạn viết nội dung.
Hãy nhớ hành trình của người mua. Họ sẽ nằm ở đâu đó từ giai đoạn quan tâm, xem xét đến lúc ra quyết định đọc nội dung của bạn. Bạn cần biết những gì có thể thúc đẩy họ trong từng chặng như vậy.
3. Chiến lược nội dung giúp quyết định loại nội dung nào bạn sẽ xuất bản
Có rất nhiều các loại nội dung khác nhau mà bạn có thể xuất bản trực tuyến. Đó có thể là blog, infographic, tài liệu điện tử, podcast hay tin nhắn trên mạng xã hội. Hơn nữa, bạn còn có thể đăng nội dung dài hoặc ngắn. Bạn cũng có thể xuất bản nội dung trên trang web của mình, trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc với tư cách là một blogger trên một trang web có ảnh hưởng khác.
Chiến lược nội dung sẽ giúp bạn xem xét sâu về nhu cầu và mục tiêu của thương hiệu. Nó xác định chính xác loại nội dung bạn cần, nơi bạn nên quảng bá nội dung đó và đặt lịch để tạo ra một nội dung đúng thời điểm.
4. Chiến lược nội dung quyết định ai sẽ tạo ra nội dung của bạn
Nếu công ty của bạn nhỏ, ban đầu bạn có thể phải tự viết tất cả nội dung của mình. Tuy nhiên, điều đó không kéo dài mãi mãi. Khi bạn phát triển, bạn có thể đặt ngân sách cho nội dung với chất lượng cao hơn. Bạn có thể thuê nhân sự để có thể xuất bản nội dung đều đặn, thuê nhân viên quản lý để đảm đương với lịch đăng bài. Và dĩ nhiên, bạn cũng sẽ cần một chiến lược nội dung để theo dõi toàn bộ quá trình.
5. Chiến lược nội dung giúp thiết lập các số liệu để đo lường thành công tiếp thị nội dung
Khi bạn theo đuổi mục tiêu tiếp thị nội dung của mình, điều quan trọng là phải nhận thức được từng phần nội dung bạn xuất bản đang hoạt động tốt như thế nào.
Các bài đăng trên blog của bạn có khiến độc giả chú ý không?
Email của bạn có chuyển đổi được thành lượt truy cập trang web không?
Các phân tích dự án của bạn có chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành người mua không?
Chiến lược nội dung sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này, bởi vì khi bạn thực hiện chiến lược của mình, bạn đưa ra được các số liệu để đo đạc hiệu suất của các bài viết. Một số trong số này bao gồm tỷ lệ thoát khỏi trang, thời gian trên trang và tiến trình cuộn trang của người xem.
Tại sao chiến lược nội dung lại quan trọng
Tiếp thị nội dung về cơ bản là một nước đi hiệu quả, nhưng nếu không có chiến lược nội dung, nó giống như việc đi trên một chuyến đi mà không có đích đến.
Nếu không có chiến lược đúng đắn, bạn sẽ lãng phí thời gian và công sức để viết nhiều mà kết quả không thu lại được bao nhiêu. Mặt khác, khi bạn sử dụng chiến lược nội dung làm nền tảng và kế hoạch chi tiết cho các nỗ lực tiếp thị nội dung của mình, bạn sẽ thấy ngay sự thay đổi trong kết quả. Mỗi phần nội dung bạn tạo ra sẽ là một mảnh ghép được kết nối để giúp tạo ra câu chuyện và thông điệp cho thương hiệu của bạn.
Thái Hiệp