Không tính các yếu tố “trồi sụt” vốn dĩ của ngành Nông nghiệp như “được mùa, mất giá”, dịch bệnh, chỉ cần cơn hạn, mặn năm 2016 và năm 2020 đang diễn ra cũng đủ gây nên những cơn “đau đầu” không chỉ đối với ngành nông nghiệp Tiền Giang, mà còn đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đau đầu giải bài toán hạn, mặn

Nhiều lời giải cho cơn hạn, mặn năm 2020 được lãnh đạo tỉnh đưa ra để cứu diện tích lúa đông xuân phía Đông và hàng ngàn ha vườn cây ăn trái phía Tây cũng như tìm giải pháp cấp bách để cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân gặp khó khăn.

Ngay tại thời điểm những ngày sau Tết Nguyên đán 2020, mực nước trong kênh nội đồng ở vùng ngọt hóa Gò Công như Gò Công Tây, Gò Công Đông vẫn khá dồi dào, chất lượng nước tốt, phục vụ ổn định cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Mai, ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây) trồng 0,3 ha lúa được hơn 60 ngày tuổi cho biết, tông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền của địa phương, ông và những người nông dân trong vùng đều cảm thấy lo lắng cho việc sản xuất trước mùa hạn, mặn năm nay khi vào thời điểm cuối năm 2019, nước mặn đã xuất hiện và xâm nhập sâu vào đất liền.

Tuy nhiên, nhờ sự chủ động và đưa ra nhiều giải pháp ứng phó của Nhà nước cho nên nguồn nước nơi đây vẫn bảo đảm đủ lượng và chất. “Người dân chúng tôi vẫn sử dụng nước dưới kênh để bơm vào ruộng lúa, tưới, tiêu cho hoa màu, cho nên rất yên tâm – ông Mai chia sẻ.

Người dân tỉnh Tiền Giang tích trữ nước ngọt sử dụng tiết kiệm trong mùa khô.

Tại huyện Gò Công Đông, nơi cuối nguồn của vùng ngọt hóa Gò Công, nước tại các tuyến kênh khá đầy, đủ phục vụ cho sinh hoạt của người dân, tưới tiêu cho sản xuất hằng ngày. Cụ thể, các tuyến kênh trục chính nơi đây phần lớn đều thông thoáng, không còn lục bình dày đặc như trước đây. Chính điều này đã giúp cho lượng nước cung cấp từ đầu nguồn về nhanh hơn, nhiều hơn.

Chia sẻ về tình trạng hạn mặn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ngày 10/2, trên sông Tiền, mặn xâm nhập đến Vàm Trà Lọt (cách biển 120 km), độ mặn là 0,86 g/l; tại cù lao Ngũ Hiệp (cách biển 81 km), độ mặn là 2,91 g/l; trên sông Hàm Luông, tại Trạm thủy văn Chợ Lạch (cách biển 75 km), độ mặn là 3,1 g/l; trên sông Vàm Cỏ tại TP Tân An (cách biển 75 km), độ mặn là 7,6 g/l đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, nhờ tích cực chủ động ứng phó, cho nên đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang vẫn bảo đảm đủ lượng nước ngọt phục vụ sản xuất vùng ngọt hóa Gò Công với gần 24.500 ha lúa đông xuân 2019-2020 và gần 80 nghìn ha cây ăn trái trên toàn tỉnh phát triển ổn định.

Những “trái ngọt” ban đầu

Từ những kết quả ban đầu, Tiền Giang đang phát huy hiệu quả những giải pháp trước mắt và lâu dài để tránh thiệt hại đến mức thấp nhất trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân mùa khô năm nay và những năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, đến thời điểm này, có thể nói công tác ứng phó hạn, mặn ở Tiền Giang bước đầu đã tránh được nhiều thiệt hại. Theo đó, vụ lúa đông xuân 2019 – 2020, toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 57.600ha. Đến nay, Tiền Giang đã thu hoạch được khoảng 30.000ha, khoảng 55.000ha lúa không bị ảnh hưởng năng suất, chỉ có khoảng 2.200ha do không tuân thủ lịch gieo sạ nên có thể bị ảnh hưởng tới năng suất và bị mất trắng một phần.

Cùng với đó là khoảng 80.000ha cây ăn trái, đến thời điểm này chưa xuất hiện vườn cây ăn trái bị chết. Tuy nhiên, hiện diện tích cây sầu riêng của Tiền Giang đang khó khăn về nguồn nước tưới, tỉnh đang có biện pháp khẩn cấp để giải quyết tưới kịp thời tránh thiệt hại cho bà con nông dân. Về nước sinh hoạt, với khoảng 1,7 triệu dân, đến giờ này, một số nơi, nguồn nước bị yếu cục bộ, nhưng tỉnh Tiền Giang cũng đã kịp thời đưa nguồn nước đến người dân, không có tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Ngoài ra, ngành Thuế còn chở nước đến tặng cho người dân ở khu vực các xã Tân Phước, Gia Thuận. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian tới, ngành Thuế sẽ vận động cán bộ, công chức mua bồn để vận chuyển nước dự trữ tại trụ sở nhằm phục vụ công nhân trong doanh nghiệp và người dân vùng khó khăn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang xuống thăm đồng. Đến thời điểm này, có thể nói công tác ứng phó hạn, mặn ở Tiền Giang bước đầu đã tránh được nhiều thiệt hại.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang Huỳnh Công Dũng, hiện mỗi ngày, công ty cung cấp khoảng 170 nghìn m3 nước cho toàn tỉnh, vượt khoảng 30% sản lượng ngày thường.

Ông Dũng cho biết, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, công ty đã có những giải pháp tập trung cho khu vực cuối nguồn như mở gần 100 vòi nước công cộng, cấp bồn chứa nước cho một số người dân, chở nước đến vùng nước yếu, thiếu. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng khẩn trương đầu tư một số tuyến ống bổ cấp nước cho các hợp tác xã, trạm cấp nước để cung cấp nước phục vụ nhân dân.

Dự báo tình hình cung cấp nước sinh hoạt thời gian tới sẽ còn khó khăn nên tỉnh sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân dùng nước ngọt hết sức tiết kiệm. Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với bà con nông dân nên đã vượt qua đợt hạn, mặn cao điểm của tháng 2 và tháng 3.

Để có được kết quả trên, trước hết là do kinh nghiệm từ năm 2016, đặc biệt là sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là ý thức của người dân trong phòng, chống hạn, mặn đã được nâng lên.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng đã có kế hoạch ứng phó kịp thời và sát thực tế. Sau đợt hạn, mặn năm 2016, tỉnh này đã rút ra được một số kinh nghiệm sâu sắc và tiếp tục có một số biện pháp ứng phó. Thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc cắt vụ, chuyển vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung đảm bảo nguồn nước sinh hoạt…

Được biết, dù chịu tác động lớn của hạn, mặn, dịch bệnh nhưng kết quả cơ bản đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là sản lượng của ngành phát triển tương đối vững chắc. Dù còn nhiều khó khăn đan xen nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và thủy sản Tiền Giang qua các năm đều có tăng trưởng dương, các mục tiêu về sản lượng phần lớn đã đạt và gần đạt các mục tiêu đặt ra đến năm 2020, trở thành nền tảng ổn định để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 – 2018 của ngành Nông nghiệp đạt được là 3,6%, trong khi tăng trưởng bình quân nông nghiệp cả nước chỉ đạt 2,55%.

Hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ĐBSCL phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 504/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng) để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Các địa phương có trách nhiệm sử dụng kinh phí được hỗ trợ nêu trên, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để triển khai khẩn cấp các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đúng quy định, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch.