Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan khu vực bán thanh long (huyện Chợ Gạo) tại siêu thị.

Giữa tháng 5/2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang có buổi làm việc với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). DOVECO có kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến rau quả tại Tiền Giang với vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sản phẩm xuất khẩu bao gồm: Sản phẩm nước quả cô đặc (chanh leo, khóm, xoài), sản phẩm nước quả puree (chanh leo, xoài, chuối, thanh long, mãng cầu), sản phẩm rau quả đông lạnh (dứa, xoài, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, đậu tương, rau…), sản phẩm rau quả đồ hộp (bắp ngọt, khóm), sản phẩm sấy dẻo (xoài, thanh long, khóm, chanh leo).

Liên kết sản xuất

Là một tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long, Tiền Giang có thế mạnh về trồng lúa năng suất cao, trồng cây ăn quả tiêu dùng và xuất khẩu. Riêng về kinh tế vườn, toàn tỉnh hiện có trên 79.000ha vườn trồng nhiều loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh như bưởi da xanh, xoài cát Hoà Lộc, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp… cho sản lượng mỗi năm trên 1.49 triệu tấn quả các loại.

Hiện nay, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, mãng cầu xiên Tân Phú Đông, xoài cát Hoà Lộc Cái Bè… đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, được cả nước biết đến về chất lượng thơm ngon, được thị trường trong ngoài nước ưa chuộng.

Đây là nhóm nông sản có lợi thế, được Tiền Giang xác định là nông sản chủ lực của tỉnh để xây dựng chuỗi giá trị. Ngành nông nghiệp cũng xác định yếu tố liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, góp phần quan trọng trong thành công của chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực.

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích cho cả nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và cộng đồng.

Sản xuất theo chuỗi giá trị ở Tiền Giang có nhiều thuận lợi như liên kết dọc giữa một số người trồng và doanh nghiệp thu mua đã được hình thành; phần lớn hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đều có quy mô diện tích chưa lớn nhưng khu vực vùng trồng được thực hiện liền kề nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã tạo được những vùng nguyên liệu tập trung như thanh long Chợ Gạo, vú sữa Vĩnh Kim hay sầu riêng Cai Lậy…

Nằm trong chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát huy tốt tiềm năng và lợi thế cây ăn trái, đưa trái cây đặc sản địa phương đến với thị trường, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều phần việc quan trọng như bình tuyển và nhân giống cây ăn trái tốt, chất lượng cung ứng cho nông dân, ứng dụng, chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến gắn với đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng kênh mương, thuỷ lợi, giao thông nông thôn phục vụ vùng chuyên canh cũng như xây dựng nông thôn mới.

Chất lượng gắn liền thị trường

Để sản phẩm trái cây đặc sản của tỉnh được tiêu thụ rộng rãi, đầu ra ổn định, thương hiệu được vươn xa, Tiền Giang đang dần từng bước nâng cao chuỗi giá trị cho các loại cây ăn quả chủ lực, qua đó tăng thu nhập cho người dân, tăng giá trị kinh tế của các loại quả đặc sản và có đầu ra ổn định.

Nhằm nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản của tỉnh, Tiền Giang sẽ gắn việc tổ chức lại sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu trái cây hiệu quả theo hình thức liên kết chuỗi giá trị. Trọng tâm là phát huy vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn kết doanh nghiệp đảm bảo từ khâu đầu vào đến đầu ra của nông sản hàng hoá, khuyến khích nông dân gia nhập các tổ hợp tác, hợp tác xã…

Đây là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực kinh tế vườn. Trong Quý III/2019, Tiền Giang đã công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hai mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh là sầu riêng Cai Lậy và sả Tân Phú Đông.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam cho biết: Tỉnh đã ra mắt được 44 hợp tác xã trên lĩnh vực cây ăn trái làm đầu mối sản xuất theo tiêu chí GAP, tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nổi bật có HTX xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) tổ chức sản xuất 100 ha xoài cát theo tiêu chí VietGAP với sản lượng mỗi năm cung ứng thị trường trên 1.000 tấn xoài cát Hòa Lộc.

Vừa qua, cùng với được chấp nhận nhập khẩu vào thị trường Mỹ, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc còn được đưa lên phục vụ khách hạng thương gia trên các chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nhằm xúc tiến và quảng bá thương hiệu trái xoài cát Hòa Lộc nói riêng, trái cây đặc sản tỉnh Tiền Giang nói chung.

Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ trái cây khó khăn do ảnh hưởng dịch bện COVID-19 và thiên tai hạn mặn làm suy giảm kinh tế toàn cầu. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp cùng các doanh nghiệp bàn giải pháp tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Lãnh đạo địa phương đã tổ chức nhiều đoàn làm việc với các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ trái cây, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu để có biện pháp đẩy mạnh giải quyết đầu ra cho trái cây tỉnh nhà.

An Chi