Khi điện năng tiêu thụ tăng kết hợp với cách giá điện tính theo bậc thang hiện hành khiến cho tiền điện của người dân càng tăng cao.
Đến hẹn lại lên, câu chuyện tiền điện tăng giá cao trong dịp nắng nóng nói mãi vẫn nhận được nhiều bức xúc của người dân. Ngay sau khi có hóa đơn tiền điện tháng 4, tháng 5, rất nhiều hộ gia đình than rằng giá điện đều tăng gấp đôi, thậm chí là tăng gấp ba so với các tháng trước.
Giá điện “tăng đột biến”, do đâu?
Gia đình chị Thu Hiền (Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội) cho biết, so với tháng trước, tiền điện nhà chị tăng 30% lên 1,9 triệu đồng. “Năm nay, mùa hè đến sớm và khá oi bức, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19, các con được nghỉ học dài ngày và gần như không ra đường nên gia đình cũng sử dụng các thiết bị điện tăng cao hơn so với tháng trước.” – chị cho biết.
Anh Nguyễn Công Hoan (H.Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, anh không khỏi giật mình khi nhận tin nhắn báo hoá đơn tiền điện tháng 5. Dù đã xác định tiền điện tăng trong tháng này song nhìn con số vẫn thấy giật mình. Giá điện tăng tới gần gấp đôi tháng trước.
Gia đình chị Lan (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng cho biết tháng 4 gia đình chị nhận được hóa đơn tiền điện tăng cao. Gia đình không lắp thêm thiết bị mới nhưng tiền điện tháng 4 vọt lên 1,5 triệu đồng, trong khi tháng 3 chỉ hơn 1 triệu đồng.
Còn rất nhiều hộ gia đình khác cũng không khỏi giật mình bởi gia điện tăng trong tháng 4, 5 vừa qua. Thời tiết vào mùa nắng nóng, học sinh nghỉ học, thành phố giãn cách chống Covid-19, tỷ lệ người làm việc online tại nhà nhiều hơn đến công sở… là một số lý do đẩy hóa đơn tiền tiện gia đình tăng mạnh. Tuy nhiên, có một lý do khác là vấn đề “nhảy bậc” trong sản lượng điện tiêu thụ, khiến sử dụng điện có dấu hiệu “tăng đột biến, bất thường”.
Đáng nói, tỷ lệ tăng tiền điện sẽ cao hơn tỷ lệ tăng điện năng sử dụng do phần điện năng tăng thêm sẽ áp giá bậc thang cao và duy trì ở bậc 6 có giá 2.927đồng/kWh cho lượng điện dùng từ 401 kWh.
Như vậy, việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng 4 và 5 vừa qua có một lý do ngoài lý do thời tiết là do chỉ số tiêu thụ điện “nhảy bậc” lên mức giá cao khiến giá điện tăng theo.
EVNHCMC cho hay việc tiêu thụ điện đạt mốc kỷ lục cộng với yếu tố “nhảy” bậc theo thang giá điện là nguyên nhân gộp khiến cho tiền điện các kỳ tháng 4, 5 tăng cao so với kỳ tháng 3. Trong đó, EVNHCMC cho biết các trường hợp tiêu thụ từ dưới 200 kWh/tháng đã tăng lên trên 200kWh/tháng ứng với các bậc thang giá cao từ bậc 4 – 6 có mức tăng hơn 150% với bậc 1.
Nhanh chóng thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết hiện nay, giá điện, biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện có hiệu lực từ năm 2019 của Bộ Công Thương. “Từ lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào ngày 22/3/2019, đến nay chưa có sự điều chỉnh giá điện nào nữa” – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định như vậy.
Điều này đúng, ngành điện không tăng giá điện từ hơn 1 năm nay thế nhưng điều chưa đúng lại là vẫn chưa có giải thích nào thoả đáng cho việc cứ hễ nắng nóng hơn một chút là tiền điện tăng vọt. Và đã có lúc người ta đổ lỗi cho cái điều hoà, cái tủ lạnh!?
Liên quan biểu giá tính tiền điện lũy tiến 6 bậc, trong năm 2020, Bộ Công thương đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ điện sinh hoạt, từ 6 bậc hiện hành xuống 5 bậc và lấy ý kiến các cơ quan ban ngành. Tuy nhiên, việc chốt biểu giá điện sinh hoạt thay đổi thế nào, đến nay vẫn chưa được thông qua. Ngành điện vẫn đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc.
Theo dõi những tranh luận về giá điện trong thời gian qua, điều mà người dân quan tâm là được cung cấp điện với giá cả hợp lý và công bằng. Nguyên tắc xây dựng biểu giá điện bán lẻ mới phải hướng đến bảo đảm cho lợi ích của số đông, tránh tác động lớn đến nền kinh tế và tâm lý xã hội.
Ý kiến về phương án dồn thành 5 bậc như dự thảo của Bộ Công thương, theo chuyên gia cũng không mang lại thay đổi nhiều vì lượng khách hàng tiêu thụ dưới 100 kWh rất ít. Theo GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam trong 2 tháng qua, hóa đơn tiền điện tăng vọt tại một số gia đình xuất phát từ nhu cầu tăng đột biến đã đành. Nhưng tăng vì bị “nhảy bậc”, thậm chí lên bậc cao nhất là chưa hợp lý.
Do đó, ông Long đề xuất chỉ duy trì 3 bậc với tiêu chí tổng doanh thu của EVN về điện thương phẩm không thay đổi. Ông gợi ý nên chia biểu giá thành 3 bậc: Bậc thấp nhất dưới từ 0 – 200 kWh, giá điện sẽ thấp hơn mức giá Chính phủ cho phép, đây là mức có trợ giá của Chính phủ. Bậc 2 là từ 201 -500 kWh quanh mức giá Chính phủ cho phép và bậc 3 vượt con số đó và giá cũng cao hơn.
Theo ông Long, các chuyên gia rất nhiều lần đề xuất cần định kỳ 6 tháng xem xét lại giá điện để điều chỉnh và Bộ Công thương cần lắng nghe để giá điện có tăng, có giảm. “Việc điều chỉnh giá điện cứ ghìm lại, giữ lại càng lâu thì khi điều chỉnh càng đột biến. Nếu thay đổi giá thường xuyên, bước nhảy sẽ dễ chấp nhận hơn” – ông Long nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng để người dân có quyền được thỏa thuận giá bán lẻ điện với đơn vị bán lẻ điện mà không có sự can thiệp của Nhà nước, Bộ Công Thương cần nhanh chóng thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình triển khai từ năm 2023 với những nền tảng pháp lý, công cụ và chính sách đầy đủ để đảm bảo cho vận hành thị trường.
“Không thí điểm hạ bậc sớm có tính toán khoa học và phù hợp nhu cầu thị trường tiêu dùng lúc này, chúng ta không “trở tay” kịp cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sắp tới theo lộ trình”” – GS Long nói.
Linh Nga