NH

Một phần thanh khoản tiền đồng đã được NHNN hút vào qua bán hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Theo SSI, tính đến ngày 20/9, và so với cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng tăng 10,54%, M2 tăng 2,49% và huy động vốn tăng 4,04%. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi đó chỉ có 440 nghìn tỷ đồng được huy động thêm. Điều này tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Cùng với đó, một phần nguồn tiền đồng đã được NHNN hút vào qua bán hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhằm kìm giữ đà tăng tỷ giá, khiến hệ thống cân bằng cung- cầu ngoại tệ nhưng lại cũng “khát” tiền đồng.

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính- nhận định, còn có một phần nguồn tiền cho vay trung, dài hạn trong 2 năm 2020 – 2021 đã tăng lên, nhất là vào bất động sản (BĐS). Khi các doanh nghiệp BĐS bị kẹt vay, người vay mua không được tài trợ, giải ngân ở nhiều phân khúc được đánh giá là có rủi ro và do các ngân hàng cạn hạn mức tín dụng, thì tiền về không kịp, khách hàng trả nợ không đúng hạn, kể cả phần trái phiếu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu từ đầu năm đến nay với tổng giá trị mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ 2021. Riêng trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.

Qua mua lại trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp giảm áp lực trái phiếu đáo hạn vào cuối năm và dự kiến cả 2023-2024, đồng thời có thể giảm cả áp lực rủi ro vi phạm phát hành trái phiếu như một số trường hợp đã bị phanh phui trên thị trường. Điều này đồng nghĩa đã có một nguồn tiền rất lớn từ huy động trái chủ (một phần lớn trong đó là nhà đầu tư cá nhân), bị kẹt lại trong trái phiếu doanh nghiệp mua lại. Không loại trừ ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động mua lại lẫn đảo nợ trái phiếu.

Thuận Hóa