Dự án xây dựng vành đai 3 TP.HCM sẽ khởi công vào ngày 18/6, tạo động lực phát triển cho thị trường bất động sản TP.HCM.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, theo dự kiến, dự án vành đai 3 TP.HCM sẽ khởi công vào ngày 18/6 tới đây tại đường 9A, phường Long Bình, TP. Thủ Đức.
Dựa trên báo cáo của Sở GTVT, Sở TN&MT, các địa phương cùng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho thấy, hiện đã có tổng 335ha/410ha đất cần phải thu hồi để triển khai thi công Vành đai 3, đạt tỷ lệ 81,5% tức đã vượt chỉ tiêu khoảng 70% so với ban đầu.
Nhằm phục vụ cho lễ khởi công, Ban Giao thông đã nhận khoảng 66,94ha mặt bằng từ huyện Bình Chánh (86% chỉ tiêu đạt được); ngày 7/6 sẽ nhận mặt bằng từ huyện Hóc Môn (93% chỉ tiêu đã đạt); ngày 9/6 sẽ nhận mặt bằng từ huyện Củ Chi và 10/6 nhận mặt bằng từ TP. Thủ Đức.
Các nhà thầu tư vấn giám sát và thi công hiện đã mở 4 gói thầu bao gồm XL3, XL8, XL9 và XL6. Các gói thầu này đều đạt đủ điều kiện để khởi công dự án và được gấp rút triển khai nhằm đảm bảo tiến độ.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Giao thông cho rằng, việc hoàn thành vượt chỉ tiêu Kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 bởi nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban ngành Trung ương,… Đây cũng được coi là tiềm năng phát triển mới cho thị trường bất động sản TP.HCM.
Có thể thấy, khái niệm “đa cực trung tâm” được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và xuất hiện trong những năm 1970, để kể về các thành phố sở hữu nhiều vùng phát triển có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Cụ thể, tại Stuttgard, Đức sở hữu một chùm đô thị (Esslingen, Boblingen, Ludwigsburg,..) với tổng cư dân khoảng 2,7 triệu người.
Mô hình này có xu hướng phân tán các loại dân cư và lao động cùng số lượng việc làm được tăng lên rõ rệt. Tại các thành phố lớn như TP.HCM cũng sẽ không năm ngoài xu hướng này. Với tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã phê duyệt theo hướng đa cực để giãn mật độ cư dân và tạo sức lan tỏa cho các đô thị vệ tinh.
Một ví dụ cụ thể, hiện nay các khu nội đô sẽ được cải tạo lại và phát triển không gian xung quanh những khu vực như nhà ga, trung tâm thương mại, gắn liền nhiều tiện ích với các phương tiện công cộng. Ngoài ra, hạ tầng giao thông và kinh tế – xã hội sẽ được tập trung phát triển chủ yếu tại các khu vực hướng Đông và Nam.
Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đường vành đai 3 TP.HCM là cầu nối giữa 4 tỉnh TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương – Long An. Đây là tuyến giao thông chính mà các phương tiện đều phải di chuyển qua nếu muốn đến TP.HCM, bên cạnh đó đây cũng là con đường đi đến các khu vực như Vũng Tàu, Bính Phước hay ĐBSCL thuận lợi hơn.
Do đó, các tuyến đường vành đai sẽ là đòn bẩy phát triển và mở rộng đô thị nhanh chóng hơn, giúp giá bán bất động sản tăng trưởng bền vững hơn. Đáng chú ý, sau khi dự án vành đai 3 TP.HCM được thông báo khởi công, mặt bằng giá mới cho khu vực phía Đông đã được hình thành.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, mặt bằng giá mới của thị trường BĐS được tạo ra dựa trên nhiều yếu tố. Cụ thể, đối với quy hoạch đất đai thuộc Nhà nước, giá đất sẽ được tăng khoảng 8 – 10% trong khu vực và các vùng lân cận. Đối với những dự án đô thị được Nhà nước hoặc các nhà đầu tư rót vốn sẽ có mức tăng khoảng 45 – 50%.
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự án vành đai 3 TP.HCM không chỉ là động lực mới cho các địa phương phát triển không gian đô thị, mà còn là một bài học quý để thực hiện triển khai những dự án khác trong tương lai. Đồng thời, tuyến đường này cũng là công trình kiểu mẫu trong công tác quản lý điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao kĩ năng quản lý dự án và giải phóng mặt bằng tái định cư.
Vi Anh