Kênh tiền gửi lên ngôi

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 90 Ngân hàng Trung ương các quốc gia trên thế giới đã có hơn 250 lần tăng lãi suất. Đặc biệt, có những ngân hàng nâng lãi suất rất cao như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng tới lần thứ sáu, trong đó bốn lần liên tiếp tăng 0,75 điểm phần trăm.

0-tien

Khi lãi suất đồng đô la Mỹ tăng khiến giá trị đồng tiền này tăng lên so với các đồng tiền có quan hệ với nó. Vì thế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện việc nâng lãi suất của mình, để đảm bảo khoảng cách giữa đồng đô la Mỹ với đồng nội tệ không quá xa. Mặt khác, việc nâng lãi suất cũng giúp giảm áp lực lạm phát cũng như áp lực tỷ giá với đồng nội tệ của mỗi quốc gia.

Trong thời gian gần đây, dưới áp lực tăng giá của USD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần nâng lãi suất mỗi lần 1%. Với việc nâng lãi suất điều hành này làm cho lãi suất của nền kinh tế cũng phải tăng theo. Cụ thể, các ngân hàng đã vào cuộc với lãi suất huy động, có những ngân hàng đưa ra mức tương đối cao từ 10 – 11% cho kỳ hạn dài. Lãi suất cao như vậy, thì lượng tiền của nền kinh tế sẽ quay trở lại, hút vào ngân hàng.

Đương nhiên, nền kinh tế có một giới hạn nhất định và khi đã quay vào ngân hàng thì ở các kênh đầu tư khác, dòng tiền sẽ giảm đi. Đồng thời, lãi suất huy động tăng lên dẫn đến lãi suất đầu ra trước sau cũng sẽ tăng, mặc dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng sử dụng các biện pháp khác nhau, từ việc bơm tiền, đáp ứng các yêu cầu về vốn giá rẻ cho phía ngân hàng thương mại, để từ đó các ngân hàng thương mại ổn định lãi suất cho vay với nền kinh tế.

Như vậy trước mắt, lãi suất vay ở các ngân hàng hầu hết chưa tăng hoặc nếu có mới chỉ tăng từ 0,5 – 1% thì chưa phải mức “ghê gớm”, nhưng về lâu dài, lãi suất cho vay sẽ tăng lên khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng, đòi hỏi quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp phải tiết kiệm hơn, có thể dẫn đến giảm thiểu huy động vốn vào sản xuất. Việc chi phí sản xuất tăng cao cũng gây ra áp lực lạm phát, từ đó làm tăng trưởng nền kinh tế chậm lại. Vì thế, phía Ngân hàng Nhà nước luôn cố gắng để giữ lãi suất đầu ra phục vụ cho vay sản xuất kinh doanh ở mức ổn định.

Doanh nghiệp khó huy động vốn

Về các kênh đầu tư khác trên thị trường, lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế có thể đầu tư vào các kênh khác nhau để sinh lời, nhưng trong điều kiện như thời gian vừa qua, các doanh nghiệp rất khó huy động nguồn tiền nhàn rỗi. Một phần do chúng ta có các thay đổi nhằm giúp thị trường trái phiếu riêng lẻ phát huy hiệu quả hơn, nhưng cũng siết chặt các điều kiện phát hành, mục đích sử dụng vốn và bán cho các chủ thể chỉ là nhà đầu tư chuyên nghiệp với yêu cầu cao hơn.

Điều này khiến các doanh nghiệp huy động trực tiếp rất khó khăn, muốn thông qua phát hành trái phiếu phải chờ đợi, để các điều kiện của doanh nghiệp đáp ứng theo đúng Nghị định 65 mới của Chính phủ thì mới phát hành được.

Trong khi cơ chế huy động vốn như hiện nay, các doanh nghiệp đi vay ở ngân hàng không dễ dàng gì, vì phải đảm bảo các điều kiện như có báo cáo tài chính, đảm bảo kinh doanh có lãi, có tài sản đảm bảo, không có nợ xấu,… Chính vì thế, doanh nghiệp cũng rất lo lắng cho giai đoạn chạy nước rút từ nay đến cuối năm, để đáp ứng nhu cầu hàng hoá phục vụ mùa giáng sinh, lễ tết và Tết âm lịch sắp tới.

Hiện nay, nếu các nhà đầu tư đang sở hữu nguồn tiền nhàn rỗi thì trước hết trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể đưa tiền vào ngân hàng vì lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng tăng cao lên và cách tương đối xa với mức lạm phát và có lãi suất thực dương cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kênh tiền gửi này chỉ mang tính ngắn hạn, với những nhà đầu tư đã mệt mỏi muốn chờ thời ở các kênh khác thì đây có thể là phương án hợp lý lúc này.

Chờ tái cấu trúc bất động sản

Còn với kênh bất động sản, do có nhiều vấn đề nhất là tại phân khúc nhà ở cao cấp, chung cư cao cấp đang có sự điều tiết. Song các nhà đầu tư cũng có thể được hưởng lợi, khi các chủ đầu tư nhiều dự án đang bán bất động sản với ưu đãi rất mạnh. Đó cũng được coi là hiện tượng giảm giá, dù 2-3 năm vừa qua khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thanh khoản rất thấp, nhưng giá bất động sản không hầu như không giảm. Cho nên, chúng ta đang chờ đợi kênh bất động sản tái cấu trúc, để những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tín dụng lớn sẽ rời khỏi thị trường và giá có thể có sự giảm sút hơn.

Riêng thị trường chứng khoán đang phản ánh không đúng tình hình phát triển kinh tế, bởi trong năm 2021, Việt Nam bắt đầu mở cửa sau Covid-19, quý 4/2021 đã tăng trưởng rất tốt và trong cả thời gian 10 tháng năm 2022, nền kinh tế cũng tăng trưởng mạnh, thậm chí kỳ vọng năm nay nền kinh tế có thể tăng trưởng ở mức 8-8,5%, nhưng thị trường chứng khoán lại giảm và xuyên thủng mốc 1000 điểm.

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là mức tương đối thấp của thị trường so với thực tế của nền kinh tế cũng như so với các yêu cầu. Ở đây có một vấn đề đó là lòng tin của các nhà đầu tư với thị trường và lòng tin của thị trường với cơ chế chính sách chưa hồi phục, vì vậy giá của thị trường này đang xuống thấp, còn về lâu dài sẽ vẫn là kênh đầu tư tương đối tốt.

Từ những đánh giá chung cho nền kinh tế, đến đánh giá riêng ở từng thị trường, chúng tôi cho rằng, bất kỳ một lĩnh vực nào kể cả trong khủng hoảng, thì đều có thể tạo ra cơ hội đầu tư, vấn đề là chúng ta có phát hiện ra và có táo bạo để thực hiện hay không?

Đơn cử như trong lĩnh vực bất động sản, vẫn có những phân khúc, dự án tiềm năng mang lại lợi nhuận tương đối cao, đặc biệt là những nhà giá rẻ hay nhà gắn liền với đất ở những khu vực nhất định. Vì vậy, không nhất thiết là không nên đầu tư vào lĩnh vực này mà chủ yếu là phải tìm được phân khúc hợp lý, hoặc những dự án đang tái cấu trúc, có ưu đãi phù hợp thì đầu tư vẫn có thể sinh lời.

Điều cần chú ý là chúng ta nên đa dạng hóa các nguồn đầu tư, phát hiện ra vấn đề để đưa ra các quyết định đầu tư thông minh, hợp lý.

– Chuyên gia tài chính