Theo một số chuyên gia dịch tễ học trên thế giới, mỗi người có thể cần đến 3 mũi vaccine COVID-19 mới được coi là đã tiêm chủng đầy đủ.
Cụ thể, khả năng miễn dịch nhờ vaccine suy giảm và các ca nhiễm gia tăng do biến thể Delta đã khiến các quốc gia giàu có phải xem xét lại định nghĩa “tiêm chủng đầy đủ”, thường được sử dụng cho những người đã hoàn thành 2 mũi vaccine COVID-19.
Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, mũi vaccine tăng cường rất quan trọng để ngăn chặn việc phải tái áp đặt các hạn chế COVID-19. “Rõ ràng rằng việc được tiêm ba mũi vaccine sẽ trở thành một thực tế quan trọng và nó sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn bằng mọi cách,” ông Johnson nói trong một cuộc họp báo.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia khác cũng đang hướng tới mục tiêu tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân. Vào tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo từ ngày 15/12, mọi công dân trên 65 tuổi sẽ cần tiêm mũi vaccine thứ 3 để xác nhận lại thẻ tiêm chủng của mình.
Tương tự tại Áo, tình trạng tiêm chủng đầy đủ sẽ hết hiệu lực sau 9 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 2, buộc người dân phải tiêm liều tăng cường. Ở Israel, sau 6 tháng kể từ khi được tiêm mũi vaccine thứ 2, người dân sẽ cần mũi thứ 3 để đủ điều kiện nhận thẻ xanh, để được phép vào các phòng tập thể dục, nhà hàng và các địa điểm khác.
Trên thực tế, biến chủng Delta có tính lây nhiễm cao, lây lan cả ở những người đã tiêm phòng đầy đủ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo. Người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, và có thể lây cho người khác, khiến những người chưa tiêm gặp rủi ro. Điều này xảy ra ngay cả ở những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao cho dân số trưởng thành và thanh thiếu niên. Nhìn vào dữ liệu từ Our World in Data, độ phủ tiêm chủng của châu Âu cao nhất ở miền Nam, với Bồ Đào Nha, Malta và Tây Ban Nha có tỷ lệ tiêm đủ hai mũi cho hơn 80% người dân, trong khi Italy cách không xa phía sau với tỷ lệ 73%.
Những nước trên cũng có số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong một tuần trở lại thấp nhất trong cả châu Âu, với tỷ lệ 100 ca/1 triệu người. Nhưng con số này đang tăng dần, thậm chí tăng mạnh ở những nơi có độ phủ vaccine thấp. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ tiêm chủng 70% không còn ngưỡng giúp các nước vượt qua đại dịch.
Đó chính là lý do vì sao các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, tỷ lệ tiêm chủng hiện tại vẫn chưa đủ. Giáo sư Suzanne Judd đánh giá: “Thế giới tiếp tục chứng kiến những đợt dịch tái bùng phát. Do đó, các nước cần chuẩn bị để sẵn sàng siết chặt quy định phòng dịch khi cần, cũng như tiêm chủng vaccine mũi thứ ba để tăng cường kháng thể chống lại virus”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc phụ thuộc vào mũi vaccine tăng cường đang ảnh hưởng đến tốc độ phân phối mũi vaccine đầu tiên ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi mới có 4,6% dân số đã được tiêm chủng. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi đây là “một vụ bê bối” khi số lượng liều vaccine nhắc lại được cung cấp trên khắp thế giới hàng ngày nhiều gấp 6 lần so với mũi vaccine chính ở các nước thu nhập thấp.
“Không có ý nghĩa gì nếu tiêm vaccine tăng cường cho người lớn khỏe mạnh hoặc tiêm chủng cho trẻ em, khi các nhân viên y tế, người lớn tuổi và các nhóm nguy cơ cao khác ở các nước thu nhập thấp trên thế giới vẫn đang chờ đợi mũi vaccine đầu tiên của họ”, ông cảnh báo.
Mặc dù vậy, theo Giáo sư Martin McKee, bên cạnh tiêm chủng, các biện pháp giãn cách xã hội và y tế công cộng đóng vai trò quan trọng không kém giữa lúc đại dịch đang quay trở lại tại châu Âu. “Các quốc gia vẫn cần phải làm nhiều hơn, với các biện pháp giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh như bắt buộc sử dụng khẩu trang khi ra nơi công cộng hoặc hạn chế số lượng người dân ở nơi công cộng tại những khu vực tái bùng dịch COVID-19”, ông cho biết.
Cẩm Anh