ShopeePay

Amazon đã và đang đẩy mạnh thương mại di động để chiếm ưu thế cạnh tranh.

Khi mọi người vẫn còn đang thử nghiệm với thương mại điện tử (e-commerce), thì Amazon đã lục đục chuẩn bị cho thương mại di động- hoạt động thương mại điện tử trên điện thoại di động và máy tính bảng.

Chiến lược 10 năm của Amazon

Amazon đã giới thiệu một giao diện người dùng tối ưu cho điện thoại thông minh từ năm 2010. Trang web của họ hiển thị với tỷ lệ phù hợp với nhiều kích cỡ màn hình, cùng trang chủ được lấp đầy với những hình ảnh sản phẩm hấp dẫn. So sánh với giao diện trên điện thoại của những trang bán lẻ khác, thì đây là một cuộc cách mạng. Điều này đã giúp họ đạt được doanh thu hơn 1 tỷ USD trên các thiết bị di động.

Đến năm 2017, Amazon tiếp tục ra mắt tính năng “mua sắm một chạm”, cho phép các ứng dụng khác bán sản phẩm vật lý cho người dùng với sự hỗ trợ của Amazon bằng dịch vụ hoàn tất đơn hàng.

Cũng trong năm 2017, Amazon trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử đầu tiên hỗ trợ “liên kết sâu”. Tính năng này cung cấp một trải nghiệm nhanh chóng và xuyên suốt, từ đó tăng cao tỷ lệ chuyển đổi khách hàng.

Bất chấp mọi sự chuẩn bị từ sớm như vậy, năm 2018, Amazon vẫn về sau eBay trên bảng xếp hạng các ứng dụng bán lẻ cho cả Android lẫn iOS, theo “Báo cáo thương mại điện tử Hoa Kỳ”. Khó khăn không dừng lại ở đó, sau 2018, hàng loạt các tay chơi đổ xô tham gia vào thương mại điện tử – từ những ứng dụng mạng xã hội như Snapchat và Instagram, đến những ông lớn như Apple và Google, khiến Amazon phải rất chật vật để duy trì vị thế của mình.

Trong bối cảnh như vậy, thương mại di động được xem như “trận chiến lớn” sau cùng để chia lại địa bàn thương mại điện tử, khi đây đang là xu hướng không thể tránh khỏi của thị trường.

tmdt

Cuộc di cư số

Theo một thống kê trên Statista, hiện có hơn 6,378 tỷ người sử dụng điện thoại thông minh toàn cầu.

Một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng nhỏ gọn thì tiện lợi hơn nhiều một chiếc máy tính xách tay, đặc biệt là khi các thiết bị di động ngày càng mạnh mẽ và các ứng dụng cũng ngày càng được thiết kế để có thể thao tác một tay dễ dàng.

Cuộc di dân từ những chiếc laptop sang điện thoại di động được cho là cũng nhanh chóng và dữ dội không kém gì cuộc di dân xưa kia từ máy tính bàn sang laptop. Một ngày nào đó, mọi người sẽ làm mọi thứ với chiếc di động của mình và tất nhiên, mua sắm online cũng nằm trong số đó. Rất nhiều con số thống kê đã chứng minh cho xu hướng này.

Trong hành trình mua sắm của khách hàng, điện thoại di động đang chiếm một vai trò quan trọng. Theo Google, có 71% khách hàng sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin về hàng hóa khi đang mua hàng trực tiếp ở cửa hàng. Theo Statista, gần 50% khách hàng bắt đầu hành trình mua sắm của mình bằng việc tìm kiếm trên điện thoại. Đặc biệt, theo Pixel Union, 77% trong số những người lướt xem hàng hóa (mà không dự tính mua hàng) trên ứng dụng thương mại điện tử sẽ kết thúc bằng việc mua hàng bốc đồng.

Theo Research&Markets, di động sẽ trở thành phiên tiện thống trị (53,9% doanh số) của thương mại điện tử vào cuối năm 2021; Doanh thu được Statista ước tính rơi vào khoảng 3,56 ngàn tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2020.

Triển vọng ở Việt Nam

Các nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam đang chạy đua để theo kịp cuộc dịch chuyển lớn này. Để theo kịp xu hướng, các chuyên gia kỹ thuật số cho rằng, các nền tảng cần phải đáp ứng được ba trụ cột: Mua sắm di động, Thanh toán di động và Mạng xã hội di động.

Về mua sắm di động, trải nghiệm mua sắm của khách hàng cần được cá nhân hóa thông qua các đề xuất phù hợp với sở thích, hành vi và vị trí địa lý.

Đối với thanh toán di động, tỷ lệ rớt đơn hàng trên thương mại di động là 97%, nhưng nếu có thanh toán di động thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20%. Thông thường, các ứng dụng hợp tác với các ví điện tử (Momo và Zalopay) để cung cấp dịch vụ thanh toán một chạm (thông qua vân tay), hay thành lập hẳn một ví di động cho riêng mình như ShopeePay hay GrabPay.

Còn với mạng xã hội thương mại, Tiki có chức năng “lướt”, Lazada có chức năng “dạo”, Shopee có “Shopee Feed” – cho phép đăng bài và livestream buôn bán, biến các ứng dụng thương mại điện trở thành một mạng xã hội giữa người mua và người bán.

Ngoài ra, những công nghệ mới áp dụng cho thương mại điện tử đang phát triển nhanh như vũ bão, như tìm kiếm bằng giọng nói, tìm kiếm bằng hình ảnh cho các mặt hàng thời trang, tăng cường thực tế giúp khác hàng trải nghiệm sản phẩm ảo…

Tất cả những công nghệ và xu hướng này góp phần tăng sự đa dạng cho thương mại di động. Khó có một nền tảng nào đáp ứng được toàn bộ những công nghệ này, tuy nhiên, những công nghệ phù hợp có thể trở thành “át chủ bài” giúp các nền tảng tạo ra lợi thế trong ngách riêng của mình.

Hoàng Phi