Công nghệ 5G không chỉ là bước nhảy vọt trong ngành viễn thông mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam. Hành trình phát triển mạng 5G đã trải qua nhiều giai đoạn quan trọng, tạo nên nền móng vững chắc để Việt Nam tiến xa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thương mại hóa mạng 5G – nền tảng cho kỷ nguyên số
Hai nhà mạng lớn tại Việt Nam đã chính thức thương mại hoá 5G vào cuối năm 2024. MobiFone dự kiến sẽ thương mại hoá 5G vào đầu năm 2025. Quá trình này thúc đẩy xây dựng hạ tầng số với tốc độ truy cập mạng nhanh hơn, gia tăng dịch vụ mới.
Theo ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel, đơn vị đã khai trương mạng di động 5G vào tháng 10/2024. Sau 2 tháng, số lượng thuê bao 5G của Viettel là 4 triệu và tương ứng với 70% các thiết bị đầu cuối 5G trong vùng phủ của 6.500 trạm BTS 5G.
Còn Tập đoàn VNPT chính thức công bố thương mại hoá Vinaphone 5G trên cả nước từ 20/12/2024. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho biết, việc thương mại hóa 5G mang lại các giá trị mới. Công nghệ 5G sẽ kết hợp với các công nghệ khác như cloud, AI, big data… tạo thành hệ sản phẩm, dịch vụ để phục vụ rộng khắp các lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế và toàn bộ xã hội. Đây là cơ hội để VNPT khai phá không gian kinh doanh mới.
Dư địa và tiềm năng lớn, nhưng ứng dụng 5G vào sản xuất công nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng công ty MobiFone cho biết, cơ hội nhiều, nhưng thách thức cũng rất lớn. Thách thức đầu tiên là khung pháp lý. Hiện Việt Nam chưa có đầu đủ các cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết bị… Tiếp đó là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp công nghệ 5G.
Theo ông Huy, vấn đề tiếp theo là bài toán đầu tư. Muốn phủ sóng 5G thì số lượng trạm là rất lớn, phải vài trăm nghìn trạm mới phủ sóng 5G hết Việt Nam. Trong khi đó, mức độ hiểu biết, chấp nhận 5G ở xã hội Việt Nam đang thấp. Thách thức cuối cùng là vấn đề an ninh mạng. Số lượng kết nối internet vạn vật (IoT) lớn như vậy, nếu bị tấn công DdoS thì hậu quả sẽ rất lớn.
Do đó, để tiết kiệm chi phí, sự phối hợp, hợp tác cũng là một chủ đề được đại diện nhiều doanh nghiệp hướng đến. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT và MobiFone đã ký thỏa thuận chiến lược, chia sẻ hạ tầng. Hai bên đã tiến hành thử nghiệm liên quan đến 4G và tới đây là 5G. Thỏa thuận giúp tăng khoảng 50% vùng phủ sóng của hai doanh nghiệp. Trong pha đầu tiên, VNPT sẽ triển khai ít nhất 3.000 vị trí và nhanh chóng mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.
Hạ tầng số cho kỷ nguyên công nghệ
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật, thể hiện trong Luật Viễn thông năm 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024. Khái niệm hạ tầng số bao gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT (mạng lưới tập hợp các thiết bị thông minh và công nghệ), hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán và nhất là tính toán cho AI (trí tuệ nhân tạo) – hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.
Hạ tầng kỹ thuật số được cho là “xương sống” của các quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số cần hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng chiến lược, giống như giao thông, điện. Hạ tầng luôn phải đi trước, đầu tư trước, có tầm nhìn xa, có khả năng mở rộng cho hàng chục năm.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ TT&TT, hạ tầng số Việt Nam gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng để số hoá thế giới thực (ví dụ như tạo ra một bản sao số về hệ thống thoát nước của TP.HCM để sau đó có thể mô phỏng tìm ra giải pháp chống úng cho thành phố).
Hạ tầng số Việt Nam phải đảm bảo băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, thông minh, mở, xanh và an toàn. Hạ tầng viễn thông thì do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Hạ tầng số với nhiều cấu phần phải đi trước để dẫn dắt thì cần cả sự đầu tư của Nhà nước.
Trong diễn biến liên quan, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông nhận định, hạ tầng số đã trở thành hạ tầng chiến lược cho phát triển kinh tế – xã hội. Hạ tầng số tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, mở ra cơ hội mới, không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông.
Sự chuyển đổi này được thúc đẩy mạnh mẽ bằng các công nghệ số tiên tiến như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, 5G và AI. Ðiều này không chỉ góp phần vào việc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, giải quyết các bài toán Việt Nam, mà còn góp phần đưa Việt Nam phát triển bứt phá trong thời đại số.
Ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới
Liên quan đến công nghệ 5G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng: Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi các nhà mạng chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn quốc. Vì vậy, ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh…
Liên quan đến IoT trong công nghiệp, ông Nguyễn Phong Nhã thấy rằng, mỗi nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel đều đang tìm thị trường riêng của mình, dựa vào hạ tầng đơn vị đã đầu tư để tìm cơ hội tiếp cận, triển khai dịch vụ, đồng thời nhắm đến thị trường ngách, học tập kinh nghiệm nước ngoài để đưa về Việt Nam.
“Ứng dụng mạng 5G sẽ tác động thay đổi công nghệ trong sản xuất. Nhà mạng nắm được nhu cầu thị trường để có giải pháp cho dịch vụ. Đơn cử, với khu công nghiệp của Việt Nam, khi đưa công nghệ 5G vào, cần thay đổi cách tiếp cận đối với việc mở rộng hay trang bị lại dây chuyền sản xuất. Điều này đòi hỏi phối hợp giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối (nhà mạng) với doanh nghiệp giải pháp, doanh nghiệp phần mềm”, ông Nguyễn Phong Nhã đánh giá.
Nhà mạng cũng tăng cường tìm hiểu chính sách các ngành nghề, nhu cầu thực tế cũng như giải quyết tận cùng bài toán về đào tạo nghề mới cho những người lao động bị dư thừa khi áp dụng tự động hóa. Làm như vậy, mới có thể góp phần giải quyết bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam.
“Nếu chỉ cung cấp giải pháp tốt hơn mà không nhìn đến tận cùng vấn đề là lao động dư thừa, một số doanh nghiệp chắc chắn ngại ngùng giữa ứng dụng hay không ứng dụng công nghệ”, ông Nguyễn Phong Nhã nhận xét.
Tuấn Kiệt