Thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp định hình sản phẩm, dịch vụ trong nhận thức của khách hàng mà còn là một trong các nhân tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp.
Giá trị thương hiệu chính là thước đo về uy tín và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp (DN) trên thị trường. Điều này đặt DN trước áp lực không ngừng đầu tư, tạo sức hút cho thương hiệu của mình. Tuy nhiên thực tế không phải DN nào cũng có ý thức gìn giữ, bảo vệ và đầu tư thích đáng để phát triển thương hiệu. Không ít DN do thiếu kinh nghiệm nên để xảy ra tình trạng mất hoặc tranh chấp bản quyền thương hiệu, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung cũng như uy tín của DN.
Cạnh tranh thương hiệu và bài toán uy tín?
Cạnh tranh thương hiệu được hiểu là sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ tương tự trên cùng một thị trường, ở cùng một đối tượng mục tiêu và đích đến là ưu thế về thị phần, doanh thu, lợi nhuận và độ phủ rộng của thương hiệu.
Cạnh tranh mang lại động lực hoàn thiện và yêu cầu đổi mới, sáng tạo với doanh nghiệp, đồng thời mang lại cho khách hàng những lợi thế, quyền lợi vượt trội về sản phẩm và trải nghiệm dịch vụ so với trước đó. Thị trường không có cạnh tranh là một thị trường suy thoái. Do vậy, doanh nghiệp buộc phải tự nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của thương hiệu, đối thủ cạnh tranh và có phương án, chiến lược phát triển tổng thể để đạt được các mục tiêu kinh doanh một cách tối ưu.
Ở phương diện khách hàng, thương hiệu chính là lời hứa của doanh nghiệp với người tiêu dùng, để giữ vững lời hứa, doanh nghiệp đó bằng mọi giá phải có cách bảo vệ, cạnh tranh thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm tốt có giá cả phải chăng. Ngoài ra, việc đánh giá sức mạnh thương hiệu giúp cho doanh nghiệp hình dung được mình có đang đi đúng hướng hay không để thực hiện các biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Nhượng quyền thương hiệu – Một chiến lược phát triển của doanh nghiệp
Cùng với mua bán, sát nhập, nhượng quyền thương hiệu là một chiến lược phát triển mà ở đó, tổ chức sở hữu thương hiệu (bên nhượng quyền) cấp phép cho cá nhân hoặc doanh nghiệp (bên nhận quyền) quyền kinh doanh, dựa trên tài sản trí tuệ với mục đích giúp phát triển thương hiệu và gia tăng tài chính hai bên. Việc nhượng quyền thương hiệu là một chiến lược hợp tác với đáp án chung là win-win cho bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
Theo Hiệp hội nhượng quyền quốc tế (International Franchising Association – IFA) ước tính có khoảng 120 ngành đang hoạt động trong lĩnh vực cấp phép nhượng quyền. Tại Việt Nam, có một số các thương hiệu lớn đang được nhượng quyền kinh doanh bao gồm: Gà rán Kentucky (KFC), McDonalds, Phở 24, Lotteria, Cà phê Trung Nguyên, Chuỗi cửa hàng G7, Chuỗi CO.OP Food, Tocotoco… những thương vụ này mang về hàng triệu USD cho doanh nghiệp sở hữu thương hiệu chuyển nhượng.
Thời gian gần đây, việc kinh doanh thương hiệu ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư rất bài bản sau đó nhượng quyền để xây thành chuỗi nhà hàng/sản phẩm và thu lợi nhuận thông qua nhượng quyền thương hiệu. Từ đó có thể thấy, thương hiệu cũng là một loại hàng hoá, mang lại lợi nhuận trực tiếp cho người chuyển nhượng.
Nhận định về xây dựng thương hiệu, theo báo Công thương, ông Vũ Xuân Trường – Chuyên gia cao cấp (Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) cho rằng, quy trình xây dựng và phát triển thương hiệu sẽ trải qua 5 bước cơ bản. Trước tiên, các DN cần nghiên cứu và phân tích môi trường cạnh tranh, đối thủ và cơ hội trên thị trường. Thứ hai, xây dựng chiến lược thương hiệu dài hạn, “DN nên xác định vị trí của thương hiệu đối với người tiêu dùng” – ông Trường nhấn mạnh.
Thứ ba, cần đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu để người tiêu dùng nhận biết và mua sản phẩm dễ dàng, thuận lợi. Thứ tư, cần có chiến lược truyền thông thương hiệu cụ thể, những phương tiện quảng cáo cho DN. Sau mỗi giai đoạn truyền thông, cần có sự đo lường hiệu quả của chiến dịch truyền thông để điều chỉnh kịp thời và đánh giá.
Bảo An