Mới đây, Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) đã công khai danh sách 160 chung cư, cơ sở kinh doanh… đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định PCCC, song các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, phớt lờ cảnh báo của lực lượng chức năng.

Chung cư Hateco Hoàng Mai thay đổi công năng hạng mục kiot khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Điểm mặt những chung cư sai phạm

Trong danh sách 160 cơ sở vi phạm quy định PCCC Công an quận Hoàng Mai mới công bố, một số chung cư được “điểm mặt gọi tên” như: Eco – Green Tower, chung cư NO-VP4, chung cư NO-VP2 khu bán đảo Linh Đàm, chung cư Hateco Hoàng Mai,…

Cụ thể, chung cư Eco – Green Tower (tại số 1 phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt) vi phạm quy định về PCCC, mặc dù đã được cơ quan cảnh sát PCCC yêu cầu khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục, tiếp tục vi phạm. Hay tại tầng 2 chung cư NO-VP4 và tầng 2 chung cư NO-VP2 khu bán đảo Linh Đàm, chủ đầu tư đưa hạng mục công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Bên cạnh đó, tại chung cư Hateco Hoàng Mai (Khu TĐC X2A, phường Yên Sở), hạng mục các kiot tại tầng 01 tòa tháp A và hạng mục các kiot tại trục (Y2, Y3; X2, X4), (Y3,Y5; X2,X3), (Y6,Y8; X2,X3) tầng 01 tòa tháp B cải tạo, thay đổi công năng khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Đáng nói là cuối năm 2022, cơ quan chức năng đã ra quyết định đình chỉ hoạt động nhưng đến nay vẫn còn hoạt động, bất chấp an toàn của người dân.

Cần thuốc “đặc trị” 

Để khắc phục tình trạng trên, UBND TP Hà Nội giao Công an TP xây dựng, trình UBND TP ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó có công trình cao tầng, chung cư cao tầng đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC trong quá trình thi công đối với các công trình nhà cao tầng theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Từ đó, có thể kịp thời phát hiện những tồn tại, vi phạm về PCCC và xây dựng để yêu cầu chủ đầu tư khắc phục ngay trong quá trình thi công.

Diễn tập PCCC tại một chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội.

UBND TP Hà Nội cũng đặc biệt nhấn mạnh, phải làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình chung cư, nhà cao tầng theo quy định. Xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, vi phạm vi phạm về PCCC theo quy định…

Mặt khác, quan sát thực tế hiện nay chúng ta có thể thấy nhu cầu về nhà ở tại các thành phố, đặc biệt là nhu cầu về nhà chung cư đang tăng “chóng mặt”, đi kèm với đó là nhiều tiện ích khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh tiện ích cũng phát sinh nhiều rủi ro về an toàn, rủi ro về cháy nổ,….

Chẳng hạn vấn đề về cháy nổ tại các bãi đỗ xe dưới tầng hầm, ông Gong Ha-seong, Giáo sư tại Khoa Phòng chống Hỏa hoạn và Thảm họa thuộc Đại học Woosuk trăn trở: Hiện nay, xe điện chưa được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên khi sự phổ biến của xe điện tăng lên, bộ sạc xe điện cần được lắp đặt trong các bãi đậu xe. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ các bộ sạc và xe điện sẽ tiềm ẩn rủi ro mất an toàn như xe cứu hỏa khó tiếp cận hiện trường, ngọn lửa dễ lan rộng,… Tại Hàn Quốc, cũng có không ít những vụ hỏa hoạn xảy ra do cháy nổ bộ sạc ô tô điện… phần nào làm chúng ta phải suy nghĩ.

“Do đó, chúng ta có thể thấy việc lắp đặt, trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ phòng cháy chữa cháy tại các chung cư chỉ là những bước cơ bản, bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện. Thực tế còn nhiều điều phát sinh, còn nhiều mối lo ngại tiềm ẩn khác cần được các cơ quan nhà nước quan tâm, xem xét hơn nữa để đảm bảo sự an toàn cho người dân” – ông Gong Ha-seong cho biết.

Hồng Phượng