Các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon cho nhân viên của mình làm việc từ mọi nơi, miễn là họ đồng ý bị giảm lương.
Nửa năm qua, nhiều nhân viên sống tại các thành phố lớn như San Fransisco đã từ bỏ thiên đường công nghệ để chuyển về các vùng lân cận. Một số thậm chí không có ý định quay trở lại Thung lũng Silicon khi văn phòng mở cửa trở lại. Họ quen dần với làm việc từ xa và có dự định làm việc tại nhà vô thời hạn.
Công ty phần mềm VMware đã cho nhân viên làm việc ở bất kỳ đâu họ muốn, nhưng lương sẽ giảm đáng kể nếu rời khỏi thung lũng Silicon. Ví dụ, một nhân viên muốn chuyển đến Denver sẽ phải chấp nhận giảm 18% lương so với tiêu chuẩn. Những nhân viên làm việc tại San Diego hoặc Los Angeles bị giảm 8% lương.
VMware không phải công ty duy nhất trừ lương nhân viên nếu không làm việc tại văn phòng. Vào cuối tháng 5, Facebook đã thông báo nhân viên công ty có thể làm việc từ xa, nhưng bắt đầu từ tháng 1 năm sau mức lương của họ sẽ được điều chỉnh dựa vào nơi họ sinh sống. Cùng thời điểm này, Twitter cũng thông báo nhân viên công ty có thể làm việc ở nhà mãi mãi. Hy vọng quay lại trụ sở công ty sẽ không khả quan nếu Covid-19 chưa được kiểm soát. Mặc dù động thái này nhằm đối phó với dịch bệnh, đây cũng là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm phân cấp lực lượng lao động của công ty.
CEO Dorsey của Twitter nói trong một chương trình podcast hồi tháng 8 rằng công ty đã hướng tới việc phân tán lao động trong một đến hai năm. Họ cũng lên phương án bồi thường cho nhân viên. “Chúng tôi luôn có cách tiếp cận cạnh tranh cho những nhân viên bản địa và tự hào về cách công ty hỗ trợ nhân viên trong thời gian thử thách của đại dịch”, Business Insider dẫn lời phát ngôn viên của Twitter.
Mạng xã hội này cho biết chính sách trả lương cho nhân viên bản địa sẽ áp dụng cho những người chuyển ra làm việc ngoài Thung lũng Silicon, đến các thành phố có chi phí thấp hơn. Phúc lợi bao gồm “ngày nghỉ” của toàn công ty, trợ cấp một nghìn USD cho những người muốn làm việc tại nhà, các nguồn lực dành cho cha mẹ và chương trình chăm sóc sức khoẻ cho toàn nhân viên, bất kể họ sống ở đâu… vẫn được giữ.
Các kỹ sư công nghệ không hoàn toàn coi việc giảm lương là tin xấu. Một số người coi đó là cái giá để họ có thể chuyển đến những nơi có chi phí thấp hơn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Một cuộc thăm dò từ ứng dụng trò chuyện tại nơi làm việc – Blind – cho thấy trong số 2.800 người ở New York, Seattle và San Francisco, có 44% kỹ sư cho biết họ sẵn sàng bị giảm lương, miễn là được chuyển đến nơi nào đó bớt tốn kém hơn.
“Đó chỉ là sự cắt giảm dựa trên mức lương cơ sở. Tính toán kỹ, tôi chỉ bị giảm 6,5% lương trong khi có thể thuê nhà ở một nơi khác với giá rẻ hơn 20%. Tôi đăng ký làm việc từ xa luôn”, một kỹ sư công nghệ viết.
Theo Business Insider, San Francisco là một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ về bất động sản. Chỉ khoảng 18% hộ gia đình ở đây có khả năng mua một căn nhà giá dưới trung bình. Trong khi thu nhập trung bình của người thành phố là 112.376 USD, bất kỳ ai muốn mua nhà ở đây cũng cần phải có mức lương tối thiểu 172.153 USD. Chi phí sinh hoạt ở San Francisco đắt đến mức ngay cả những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ với mức lương tốt cũng phải chật vật. Một cuộc khảo sát gần đây trên Blind cho thấy 70% kỹ sư công nghệ nói họ không đủ khả năng để mua nhà ở Silicon.
Các chuyên gia dự đoán nhiều kỹ sư công nghệ sẽ tiếp tục rời bỏ Thung lũng Silicon. Làm việc tại nhà sẽ trở thành xu hướng mới ngay khi đại dịch qua đi. Tính đến tháng 6, giá thuê phòng trong khu vực đã giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều văn phòng công nghệ dự định đóng cửa cho đến mùa hè năm sau. Thung lũng Silicon có thể sẽ tiếp tục chứng kiến các cuộc “di tản” lớn nữa trong năm nay.
Theo Vnexpress