An toàn thực phẩm (ATTP) là nhiệm vụ hết sức cần thiết đối với toàn xã hội. Xác định được tính cấp thiết của vấn đề đó, giữa tháng 7.2020 Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc phát động phong trào “Nông dân Nghệ An sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn” với nhiều nội dung thiết thực.
Vì một nền nông nghiệp sạch, an toàn
Ngày 15.4.2020, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án: “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2020 – 2023” và giao cho Hội ND tổ chức thực hiện. Để thực hiện mục tiêu đầy ý nghĩa đó, trách nhiệm của hội viên, nông dân là rất lớn.
Phát biểu tại buổi lễ phát động nông dân “Sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn”, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Để làm tốt vấn đề sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, hội viên nông dân cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Thường xuyên cập nhật, nâng cao hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh, nhất là các quy định về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản và kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Nâng cao trình độ, nắm chắc và vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo ATTP. Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, tuyệt đối không sử dụng chất cấm, (các hóa chất, phẩm màu, phụ gia độc hại) vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm hoặc bán, cung cấp nông sản thực phẩm có sử dụng chất cấm. Thực hiện 3 có, đó là: Có hiểu biết về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm an toàn; có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATTP; có trách nhiệm phát giác và ngăn chặn thực phẩm không an toàn. Thực hiện 3 không, đó là: Không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm; không kinh doanh chất cấm và nông sản thực phẩm không an toàn, kém chất lượng; không tiêu dùng nông sản, thực phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn”.
Cũng trong dịp này, Chủ tịch Hội ND tỉnh tiếp tục đề nghị Hội ND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nông dân về sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn; tích cực tổ chức các hoạt động nhằm trang bị kiến thức cho hội viên, nông dân về sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn. Vì sức khoẻ cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn, cán bộ, hội viên, nông dân Nghệ An quyết tâm thực hiện sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn.
Mục tiêu của để án là góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nông dân trong toàn tỉnh về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; nâng cao trình độ, kiến thức cho người nông dân. Ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cánh đồng trăm triệu theo tiêu chuẩn VietGAP
Từ chủ trương về phát triển nông nghiệp sạch, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại huyện Nghi Lộc đã hình thành rất nhiều những cánh đồng năng suất cao, mang lại lợi nhuận thiết thực cho người dân như Nghi Long, Nghi Thịnh, Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Hợp,… Trong đó, điển hình như xã Nghi Long với trên 50ha rau củ, quả an toàn trong đó có 6ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018.
Việc sản xuất rau công nghệ cao theo hướng an toàn, chất lượng đảm bảo cho người tiêu dùng đã đưa lại năng suất khá cao, hội viên nông dân hồ hởi tích cực thâm canh gối vụ với phương châm “không để đất phải chết, nói không với bỏ hoang đồng ruộng”. Hằng năm, các loại cây trồng luôn cho năng suất giá trị sản lượng cao như: Cây dưa (vụ Hè Thu): năng suất bình quân 400 tạ/ha, sản lượng đạt: 16 tấn/vụ, giá trị bình quân năm 2012-2020 đạt 240 triệu/ha/vụ. Cây rau màu (vụ Đông- Đông Xuân): diện tích đạt 39ha, sản lượng 370 tấn/năm, giá trị bình quân 160 triệu/ha/vụ. Cây hoa ly, hoa cúc (vụ Đông): 1ha. Hoa cúc đạt giá trị 25 triệu đồng/sào, hoa ly đạt 380 triệu đồng/sào/vụ.
Đặc biệt trong diện tích trên có 7.900m2 nhà lưới sản xuất rau củ quả công nghệ cao. Trong đó, nông dân sản xuất dưa chuột Israel, dưa lưới, dưa lê, hoa cúc, hoa ly. Nếu như trước đây sản xuất đại trà, nông dân thu hoạch chỉ đạt 7 triệu/sào/năm, nhưng từ khi chuyển sang sản xuất rau, củ, quả an toàn, công nghệ cao giá trị đã nâng lên bình quân thu nhập đạt 24 triệu đồng/sào/năm. Cá biệt có những hộ thu nhập từ 50- 200 triệu đồng/sào/năm. Ngoài việc giá trị thu nhập tăng lên thì việc sản xuất rau an toàn cũng xây dựng được thương hiệu cho rau màu Nghi Long, từ đó đầu ra cho sản phẩm cũng dễ dàng hơn, đến vụ thu hoạch các thương lái về tận ruộng để thu mua. Khi có đầu ra ổn định thì nông dân cũng yên tâm đầu tư thâm canh, canh tác. Việc thu hút các mô hình, dự án đầu tư cho sản xuất trên cánh đồng thu nhập cao trở nên thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất.
Để người dân có thêm động lực sản xuất, ngày 25.12.2019 huyện Nghi Lộc đã có nghị quyết 07/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Hỗ trợ xây dựng 3 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hoa, rau, củ, quả chất lượng có diện tích từ 2.000m2 trở lên với mức 350 triệu đồng/mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt tại xã Nghi Long, Nghi Thịnh và Nghi Xá. Hỗ trợ 2 mô hình cà pháo với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/mô hình tại xã Nghi Kiều và Nghi Văn…
Trao đổi về quá trình hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao của người dân trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trước đây, ở Nghi Long các hộ dân chủ yếu trồng lạc và vừng, thu nhập không đáng kể. Sau khi được đưa đi học hỏi các mô hình ở các tỉnh phía Bắc, nông dân bắt đầu chuyển đổi cây trồng. Cùng với việc hỗ trợ về kiến thức, huyện còn đầu tư kinh phí để phát triển sản xuất như: làm hệ thống giao thông, mương tưới tiêu nội đồng, giếng trữ nước, hỗ trợ nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc… Hiện nay, Nghi Long nói riêng và các xã nói chung đã xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng như: hành tăm ở Nghi Kiều, Nghi Lâm; bánh cốm Nghi Trung; Rau củ quả sản xuất an toàn ở Nghi Long, Nghi Trườn,… Thành công này, Hội ND các cấp có vai trò quan trọng trong quá trình định hướng và phát triển sản xuất”.
Từ những cánh đồng mẫu cho năng suất cao, sau quá trình được đào tạo và phát triển kinh tế, các thành viên tập hợp lại trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của các cấp Hội ND đã tiến hành thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghi Long đáp ứng các loại rau sạch như dưa chuột, dưa lưới, bầu bí, su hào, bắp cải, su lơ,…
Cách làm của nông dân Nghi Lộc đang tiếp tục lan tỏa trên toàn tỉnh Nghệ An nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm nông sản an toàn vì sức khỏe con nghười và bảo vệ môi trường sống.
Việc sản xuất rau công nghệ cao theo hướng an toàn, chất lượng đảm bảo cho người tiêu dùng đã đưa lại năng suất khá cao, hội viên nông dân hồ hởi tích cực thâm canh gối vụ với phương châm “không để đất phải chết, nói không với bỏ hoang đồng ruộng”. |
Bùi Ánh