Chính phủ đang nghiên cứu và sẽ ban hành một quyết định mới với tinh thần cơ bản là là “Bỏ hẳn giá FIT và tất cả các dự án điện mặt trời đều phải thông qua đấu thầu”. Hy vọng rằng, cơ chế đấu thầu sẽ tạo ra một sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư điện mặt trời. Song theo nhận thức của người viết thì có thể nó vẫn hàm chứa nhiều rủi ro và đặc biệt là chưa thể coi là một giải pháp tổng thể, dài hạn cho điện mặt trời Việt Nam.

trung_nam_02_jtll

Công nhân đang lắp đặt các tấm pin cho nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận

Muốn vậy, theo ý chúng tôi, nó phải bao gồm các vấn đề sau:

Thứ nhất, phải đặt mục tiêu tỷ trọng điện mặt trời (ĐMT) chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng sản lượng điện chứ không phải số dự án hoặc công suất lắp đặt. Điều này giúp cộng đồng hiểu chân thực hơn về ĐMT.

Thứ hai, đồng thời với phát triển ĐMT, cần quy hoạch, phát triển hệ thống truyền tải điện phù hợp với công suất phát của các dự án ĐMT. Chúng tôi cho rằng về lâu dài, một mình Nhà nước không thể (và cũng không nên) độc quyền xây dựng vận hành hệ thống truyền tải mà nên huy động nguồn lực từ các tổ chức tư nhân, đặc biệt là chính những nhà đầu tư ĐMT.

Thứ ba, cũng cần sớm đặt vấn đề phát triển công nghệ lưu trữ ĐMT nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung. Đây là giải pháp căn cơ lâu dài cho việc phát triển ĐMT. Bởi vì, suy cho cùng, dù ngắn hay dài thì đến một lúc nào đó con người phải sử dụng 100% năng lượng tái tạo khi các nguồn năng lượng truyền thống cạn kiệt. Mà năng lượng tái tạo thì luôn thất thường và không liên tục. Mặt trời chỉ cấp năng lượng vào ban ngày, muốn có năng lượng sử dụng vào ban đêm, tất yếu chúng ta phải lưu trữ.